Huy động các nguồn lực xây dựng trường học chuẩn quốc gia

Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung đội ngũ giáo viên để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nhờ đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện Thuận Châu đã có nhiều chuyển biến, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Giờ thực hành môn Tin học của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - THCS Co Mạ.

Thuận Châu có địa bàn rộng, với 29 xã, thị trấn, có nhiều xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, một số trường trung tâm và điểm trường lẻ, phòng học và nhà bán trú xuống cấp; hầu hết các trường còn thiếu phòng chức năng, nhà bán trú và các trang thiết bị  giảng dạy. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục và đào tạo của huyện.

Thực hiện xã hội hóa giáo dục, những năm qua, Trường phổ thông dân tộc bán trú - THCS Co Mạ đã vận động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất. Nhà trường hiện có 16 phòng học và có đủ các phòng chức năng phục vụ cho công tác giảng dạy. Năm 2022, từ nguồn xã hội hóa, trường đã được đầu tư sửa chữa sân khấu ngoài trời và đào 1 giếng khoan phục vụ sinh hoạt của học sinh. Thầy giáo Nguyễn Tất Anh, Phó hiệu trưởng, cho biết: Trường có 641 học sinh, trong đó 541 học sinh bán trú, tuy nhiên chỉ có 15 phòng ở cho 157 học sinh bán trú. Số học sinh còn lại đều phải trọ ở ngoài nên khó khăn cho công tác quản lý học sinh. Do đó, thời gian tới, nhà trường tiếp tục vận động các nguồn lực để khắc phục khó khăn.

Bên cạnh đó, huyện Thuận Châu đã quản lý, sử dụng hiệu quả các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục; vận động xã hội hóa thông qua nhiều kênh khác nhau. Trong đó, chú trọng tìm kiếm, thu hút nguồn đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục cho các trường học; phát triển mạng lưới trường lớp và trường đạt chuẩn quốc gia. Từ năm 2022 đến nay, cùng với nguồn vốn của Nhà nước và huy động xã hội hóa, huyện đã đầu tư trên 12 tỷ đồng mua sắm tài sản, thiết bị, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học. Đến nay, toàn huyện có hơn 98% số phòng học kiên cố, bán kiên cố; hệ thống trường, lớp học cơ bản đủ các phòng học, phòng chức năng, phòng chuyên môn, góp phần phục vụ hoạt động dạy và học.

Ông Nguyễn Đức Tôn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thông tin: Nhiều trường học đã huy động nguồn xã hội hóa, sửa chữa phòng học tạm, phòng học cấp 4; xây dựng bổ sung phòng học lắp ghép, làm cổng, tường rào, công trình vệ sinh, tôn tạo cảnh quan trường học. Năm học 2021-2022, Phòng đã huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm xây phòng học, thư viện, công vụ, nhà vệ sinh, sân chơi... với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.

Với sự quan tâm đầu tư, sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường học, đến nay, huyện có 39/83 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 47%, trong đó, 7 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Sở Giáo dục và Đào tạo đang kiểm định chất lượng giáo dục để công nhận mới 2 trường và công nhận lại trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2023 đối với 3 trường. Toàn huyện duy trì 100% số xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, công tác xóa mù chữ được duy trì; huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; công nhận duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Phát huy những kết quả đạt được, huyện Thuận Châu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo.

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới