Ngày 19/12, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức Hội thảo góp ý bản thảo sách “Lịch sử Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La giai đoạn 1945-2022” lần 2.
Tham dự Hội thảo, có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Hội Khoa học lịch sử tỉnh; lãnh đạo Sở GD&ĐT qua các thời kỳ, Ban cố vấn cùng Ban Biên soạn Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
Thực hiện Kết luận số 319-KL/TU ngày 25/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương nghiên cứu biên soạn cuốn Lịch sử ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La giai đoạn 1945-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hợp tác với Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn biên soạn và xuất bản cuốn sách Lịch sử Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La (1945-2022). Ngoài phần lời nói đầu và kết luận, phụ lục và danh mục tài liệu tham khảo, phần nội dung chính của cuốn sách được chia thành 5 chương. Trong đó, Chương 1, trình bày khái quát về quá trình hình thành và phát triển giáo dục - đào tạo của tỉnh trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; Chương 2, quá trình hình thành, phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến năm 1975; Chương 3, quá trình phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La từ năm 1976 đến năm 1985; Chương 4, sự phát triển của ngành GD&ĐT tỉnh Sơn La trong 10 năm đầu tiến hành đổi mới đất nước (1986-1995); Chương 5, quá trình phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh Sơn La từ năm 1996 đến năm 2022.
Cuốn sách là công trình khoa học có tính khái quát cao, tái hiện lại chặng đường phát triển của ngành GD&ĐT của tỉnh Sơn La, đặt trong quá trình phát triển chung của ngành, của vùng Tây Bắc và cả nước. Trên cơ sở những tài liệu gốc, cuốn sách đã đưa ra những nhận định, đánh giá khách quan, trung thực về các thành tựu và hạn chế của ngành trong gần 80 năm qua. Từ đó, rút ra một số bài học, kinh nghiệm, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành trong giai đoạn sau.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo cuốn lịch sử, tập trung vào các nội dung: Phân chia lại giai đoạn giữa các chương; chỉnh sửa câu từ, số liệu; xác định lại một số mốc thời gian; bổ sung công tác đào tạo ở từng giai đoạn; cách dùng từ, đặt tên các mục, tiểu mục…
Lãnh đạo Sở GD&ĐT đã tiếp thu các ý kiến tham gia của các đại biểu. Đồng thời, giao Ban biên soạn, các phòng chuyên môn của Sở tiếp tục rà soát, bổ sung chỉnh lý hoàn thiện cuốn lịch sử theo đúng thời gian, kế hoạch đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!