Trung tuần tháng 8, các cô giáo của điểm trường mầm non bản Lụ (Trường mầm non Ánh Hồng), xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, đã trở lại lớp học cắm bản chuẩn bị cho năm học mới. Đường giao thông khó khăn, cơ sở vật chất lớp học chưa thực sự đảm bảo…, nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, các cô giáo đã gắn bó và cống hiến tuổi trẻ, bám lớp “gieo chữ” nơi bản vùng sâu dọc sông Đà này.
Chúng tôi cùng các cô giáo mầm non lên điểm trường bản Lụ. Trận mưa buổi sáng khiến tuyến đường đất dốc từ đầu bản vào đến điểm trường dài gần 2km trơn trượt, khó di chuyển hơn. Có mấy phụ huynh học sinh xuống đón chúng tôi để hỗ trợ các cô giáo vượt qua một số đoạn đường khó đi.
Cô giáo Quàng Thị Ngọc chia sẻ: Cách đây 1 tháng, đoạn đường dốc cao vào điểm trường chỉ là con đường mòn rất nhỏ để xe máy đi lên, lệch tay lái là sẽ bị ngã. Kỳ nghỉ hè vừa qua, bà con trong bản và giáo viên của điểm trường mầm non, điểm tiểu học đã đổ đất, san đường, nên đợt này đi lại dễ dàng hơn.
Điểm trường mầm non bản Lụ nằm trong khuôn viên với điểm trường tiểu học (Trường TH và THCS Liệp Tè). Ngay từ sáng sớm, các bậc phụ huynh đã có mặt cùng các cô giáo dọn vệ sinh, sắp xếp lại bàn ghế để đón năm học mới. Anh Lường Văn Tuấn cho biết: Các cô giáo không quản ngại khó khăn, bám điểm trường để dạy chữ cho con em trong bản, nên năm nào cùng vậy, trước khi bước vào năm học mới, phụ huynh có con em học tại điểm trường đều tập trung hỗ trợ các cô giáo dọn vệ sinh, chỉnh trang lại lớp học.
Điểm trường mầm non bản Lụ hiện có 2 phòng học, được xây dựng từ năm 2012 theo Dự án vùng tái định cư Thủy điện Sơn La. Năm học 2023-2024, điểm trường có 58 trẻ mẫu giáo lớp bé và lớp mẫu giáo ghép nhỡ - lớn, với 2 giáo viên phụ trách (so với định mức còn thiếu 1 giáo viên/lớp). Đón năm học mới, ngoài chuẩn bị về cơ sở vật chất, các cô giáo đã đến từng gia đình vận động phụ huynh đưa trẻ đến lớp đúng độ tuổi, đảm bảo đủ các giấy tờ để trẻ vào lớp mẫu giáo bé. Đồng thời, thiết kế và trang trí lớp học, chuẩn bị các đồ dùng minh họa phục vụ giảng dạy.
Là điểm trường ở bản vùng sâu, bà con chủ yếu là dân tộc Thái và La Ha, mặc dù đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng điểm trường vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2016, do ảnh hưởng bởi mưa lũ và địa hình đất yếu, điểm trường lại gần khu vực ven bờ sông Đà nên 148m tường bao bị đổ sập. Đảm bảo an toàn cho trẻ, Công đoàn Bảo hiểm Việt Nam đã hỗ trợ 119 triệu đồng để xây dựng lại tường bao.
Tuy nhiên, hiện nay, tường lớp học cũng đã xuống cấp, nước mưa ngấm tường, các ô kính cửa bị vỡ, các thanh sắt cửa sổ bị gẫy mối hàn. Do cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu nấu ăn bán trú cho trẻ mầm non, nên các gia đình chủ động chuẩn bị suất ăn trưa cho trẻ mang đến lớp. Điểm trường cũng chưa được đầu tư xây dựng nhà công vụ, nên sau giờ dạy học, giáo viên tận dụng phòng học của học sinh làm nơi ở, làm việc và nấu ăn… bất tiện trong việc sinh hoạt hằng ngày.
6 năm vào nghề thì cả 6 năm, cô giáo Lò Thị Toán, giáo viên Trường mầm non Ánh Hồng, đều dạy ở điểm trường lẻ, trong đó 3 năm dạy tại điểm trường bản Lụ. Cô Toán cho biết: Nhà tôi ở xã Chiềng Ly, cách trường hơn 50km, nên chỉ cuối tuần tôi mới về thăm nhà. Mỗi lần đến trường, tôi chuẩn bị gạo, thực phẩm đủ để sử dụng trong 1 tuần. Ở điểm trường lẻ, còn nhiều khó khăn, nhưng được lên lớp dạy trẻ, thấy các em nhận biết được từng con chữ, khiến tôi thêm yêu và gắn bó với nghề.
Vượt lên những thiếu thốn, khó khăn, các cô giáo của điểm trường bản Lụ vẫn miệt mài bám bản, bám điểm trường để “gieo chữ, ươm mầm”, với hy vọng góp phần mang đến một tương lai tươi sáng cho trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn này.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!