Năm học 2023-2024 là năm thứ 3 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với bậc THCS. Đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiều giải pháp, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, phù hợp với yêu cầu môn học.
Năm học 2021-2022, chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở bậc THCS đối với khối 6; đến năm học 2023-2024 ở khối 8. Theo chương trình mới, học sinh sẽ học tích hợp các phân môn: Lịch sử, Địa lý thành môn Lịch sử và Địa lý; phân môn Hóa học, Sinh học, Vật lý thành môn Khoa học tự nhiên. Đảm bảo việc dạy học tích hợp, ngày 29/10/2021, Sở GD&ĐT đã ban hành Công văn số 1993/SGDĐT-GDTrH&GDTX về tổ chức dạy học các môn “tích hợp” chương trình cấp THCS. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tùy thuộc vào điều kiện của nhà trường và tổ, nhóm chuyên môn nghiên cứu, sắp xếp thời khóa biểu; bố trí phân đều số tiết phân môn trong từng học kỳ; ban giám hiệu dự giờ, hỗ trợ và tháo gỡ vướng mắc cho giáo viên trong quá trình triển khai chương trình.
Trên cơ sở thực tế đội ngũ giáo viên, các trường THCS phân công giáo viên dạy học các môn tích hợp liên môn. Tuy nhiên, trước đây, các giáo viên chủ yếu được đào tạo dạy học đơn môn, nên các trường vẫn phân công giáo viên môn nào dạy phân môn đó, khó khăn trong công tác phân công thời khóa biểu và sắp xếp lịch dạy cho giáo viên. Việc xây dựng các đề kiểm tra, chấm điểm, ôn thi học sinh giỏi cũng gặp khó. Đơn cử như, trước đây, thi các môn riêng biệt, nhưng thực hiện chương trình tích hợp liên môn, ở môn khoa học tự nhiên sẽ tích hợp trong 1 bài thi, gồm kiến thức chung 3 môn, nên rất ít học sinh đăng ký tham gia thi học sinh giỏi vì kiến thức rộng. Hơn nữa có những phân môn thiếu giáo viên cục bộ nên phải tăng tiết dạy ở các phân môn còn thiếu.
Khắc phục những khó khăn trên, Sở GD&ĐT đã liên kết với Trường đại học Thủ Đô và Trường đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, bồi dưỡng chứng chỉ chuyên môn dạy học tích hợp cho giáo viên bậc THCS trong tỉnh. Chỉ đạo các trường phân bố thời khóa biểu để giáo viên đảm nhiệm các phần khác nhau tương ứng với chuyên môn được đào tạo. Các tổ chuyên môn tăng cường sinh hoạt chuyên môn, xây dựng kế hoạch giảng dạy, bổ sung kiến thức và kỹ năng truyền đạt hỗ trợ nhau, khai thác triệt để các công cụ hỗ trợ, như các phần mềm dạy học thông minh phù hợp với bộ môn để lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp.
Cô giáo Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Chiềng Ngần B, Thành phố, chia sẻ: Trường đã cử 6 giáo viên bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp liên môn do Sở GD&ĐT phối hợp tổ chức. Chỉ đạo các tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt 1-2 lần/tháng, có sự tham gia của ban giám hiệu nhà trường để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các thầy, cô giáo tìm tòi, sáng tạo trong giảng dạy liên môn; linh hoạt sắp xếp thời khóa biểu 1 tuần/lần để phù hợp theo số tiết quy định.
Một cuốn sách, hai môn học, các tiết Lịch sử, Địa lí được sắp xếp xen kẽ, cùng với đó là những bài học tổng quan. Đối với học sinh chuyển từ cấp 1 sang cấp 2, việc tiếp cận môn học tích hợp ban đầu có phần bỡ ngỡ. Em Nguyễn Minh Nhật, lớp 6A Trường THCS Lê Quý Đôn, Thành phố, cho biết: Mới đầu chúng em viết chung Lịch sử, Địa lí vào 1 vở viết, nhưng khi học bài ở nhà em thấy khó, sau đó cô giáo hướng dẫn tách vở riêng ra từng môn. Sau hơn 2 tháng học, em từng bước bắt nhịp chương trình học.
Tại huyện Sông Mã, năm học 2023-2024 có 53 trường học, với 2.194 cán bộ quản lý, giáo viên; thiếu 67 biên chế, trong đó có một số bộ môn khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí cấp THCS thiếu cục bộ. Phòng GD&ĐT rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường học; phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện chuyển công tác, biệt phái giáo viên. Chỉ đạo các trường rà soát cử giáo viên tham gia bồi dưỡng chứng chỉ liên môn, đáp ứng việc giảng dạy theo lộ trình từng năm học theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Năm học này, ngành đã chuyển công tác đối với 72 giáo viên và biệt phái 3 giáo viên; cử 514 giáo viên tham gia bồi dưỡng chính chỉ liên môn do Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với Trường đại học Thủ Đô và Trường đại học Hùng Vương tổ chức.
Tháo gỡ khó trong dạy tích hợp, ngày 10/10/2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở bậc THCS. Theo đó, đối với môn Khoa học tự nhiên, các trường phân công giáo viên phù hợp về chuyên môn được đào tạo, với nội dung dạy học được phân công theo các mạch nội dung. Khi bố trí giáo viên dạy học từ 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học, phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên. Trong trường hợp gặp khó về xếp thời khóa biểu, xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt về thời gian, thời điểm thực hiện các mạch nội dung hoặc các chủ đề của chương trình. Giáo viên dạy học nội dung nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá nội dung đó. Hiệu trưởng phân công giáo viên chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp với giáo viên cùng dạy môn học ở lớp đó để thống nhất điểm đánh giá.
Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, thông tin: Sở đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục THCS trong tỉnh về việc bố trí đội ngũ, xây dựng kế hoạch giảng dạy và tổ chức kiểm tra, đánh giá đối với các môn học tích hợp. Về lâu dài, Sở tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để dạy những môn tích hợp theo đề án của Bộ GD&ĐT. Các trường tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu chuyên môn, đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học trong những năm tiếp theo.
Trước sự thay đổi trong việc giảng dạy và học tập tích hợp môn, các trường học đã chủ động phân công giáo viên dạy học môn học bảo đảm yêu cầu, phù hợp với năng lực chuyên môn; xây dựng kế hoạch dạy học, bố trí thời gian, thời điểm dạy học các mạch nội dung linh hoạt trong từng học kỳ để học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức và đạt được các mục tiêu mà ngành Giáo dục đã đặt ra từ đầu năm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!