Dạy học nơi non cao

Từ trung tâm huyện Sốp Cộp, vượt gần 60 km đường đèo, dốc quanh co qua đỉnh Pù Sâng, chúng tôi đến Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Mường Lèo. Ở địa bàn xã vùng cao biên giới khó khăn này, thầy và trò nhà trường luôn nỗ lực thi đua “Dạy tốt, học tốt”, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, giúp học sinh dân tộc thiểu số nơi đây trau dồi kiến thức, vững bước vào cuộc sống.

Một tiết học của cô và trò Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Mường Lèo.

Thầy giáo Hà Văn Tâm, Hiệu trưởng, thông tin: Năm học 2022-2023, trường có 28 lớp bậc tiểu học và 8 lớp bậc THCS, với tổng số 846 học sinh, trong đó 573 học sinh được hưởng chế độ bán trú. Cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng việc dạy và học. Hiện nay, trường có 1 điểm trường trung tâm và 8 điểm trường lẻ thuộc bậc tiểu học, với 42 phòng học kiên cố, bán kiên cố, 24 phòng bán trú và một nhà ăn cho học sinh. Đa số học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú.

Nhà trường có 69 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn và hoàn thành chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc, biết tiếng dân tộc. Trong các năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch chỉ đạo chuyên môn đối với từng cấp học. Hướng dẫn giáo viên giảm tải, tích hợp nội dung lồng ghép trong các bài soạn trước ngày giảng. Tăng cường dự giờ, thăm lớp, khảo sát, phân loại trình độ giáo viên...

Ngoài ra, trường còn tăng cường môn tiếng Việt, môn toán cho học sinh bậc tiểu học; môn hóa học, vật lý, văn học cho học sinh THCS. Tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu. Hằng năm, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và học sinh vào lớp 6 đạt 100%; học sinh chuyên cần đạt 100%; hơn 98% số học sinh hoàn thành chương trình bậc tiểu học; trên 99% số học sinh lớp 9 đủ điều kiện thi chuyển cấp. Duy trì, bồi dưỡng đội thi học sinh giỏi các cấp; đội tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, thi Trạng nguyên tiếng Việt, Violympic các môn học và đạt được giải cao, như giải nhì Hội thi “Sáng tạo thanh thiếu niên cấp tỉnh”, giải nhất thiết kế bài giảng Elerning cấp tỉnh năm học 2021-2022...

Em Sồng A Hạnh, lớp 6B, cho biết: Nhà ở xa trường 27 km, nên em được ăn, ở bán trú tại trường. Ngoài ra, em còn được các thầy, cô giáo hướng dẫn phương pháp tự học trong thời gian học buổi tối; tham gia các hoạt động ngoại khóa để có thêm kiến thức trên các lĩnh vực của cuộc sống.

Cô giáo Lành Thị Nhung, Chủ nhiệm lớp 6A, cho biết: Hơn 6 năm gắn bó với học sinh, tôi quản lý lớp theo cách chia học sinh thành các nhóm học tập và nhóm bạn thân, từ đó phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh, phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học, nhất là tạo hứng thú học tập cho học sinh. Ngoài ra, tôi còn theo học lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông để giảng bài cho các em dễ hiểu.

Đồng thời, tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đầu tuần dưới cờ, với nhiều chủ đề, như: Tìm hiểu về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Giao thông đường bộ; giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giao lưu văn nghệ, thể thao, với các trò chơi dân gian... thu hút đông đảo học sinh tham gia, giúp các em thêm yêu trường, mến lớp.

Tháng 1/2023, Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Mường Lèo được đầu tư hơn 14 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước xây dựng mới khu nhà bán trú 3 tầng, 12 phòng ở, 8 phòng học, bể chứa nước và công trình phụ trợ. Dự kiến đầu năm học 2023-2024, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp các em có thêm điều kiện để học tập.

Chia tay Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Mường Lèo, chúng tôi tin, các thầy cô giáo và các em học sinh trong trường sẽ tiếp tục thi đua dạy tốt - học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục nơi vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn này.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đổi thay ở Nặm Giắt

    Đổi thay ở Nặm Giắt

    Kinh tế -
    Về bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, những ngày này, chúng tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh của những đồi chè, vườn cà phê chín đỏ đang vào vụ thu hoạch. Nặm Giắt hôm nay đã có nhiều đổi thay, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà đã biết cách lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.
  • 'Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Xã hội -
    Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng, giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân ở nông thôn trên địa bàn.
  • 'Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Chuyển đổi số -
    Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Kiểm sát Sơn La thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
  • 'Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Khoa Giáo -
    Trường THCS Ngọc Chiến, huyện Mường La, tập trung làm tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục ở xã vùng III đặc biệt khó khăn.
  • 'Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Xã hội -
    Những năm qua, công tác khen thưởng của tỉnh không ngừng được đổi mới, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, coi trọng phát hiện, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng, góp phần động viên cổ vũ kịp thời phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực.