Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1719), các cấp, ngành, địa phương đã tập trung triển khai các dự án phát triển giáo dục đào tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc, tạo nguồn nhân lực có trình độ cho địa phương.
Trường phổ thông DTNT tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, năm học 2023-2024, trường có gần 750 học sinh, với 22 lớp. Thầy giáo Nguyễn Danh Tân, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Từ năm 2022 đến nay, trường được đầu tư xây dựng mới 2 dãy nhà 2 tầng, gồm 16 phòng học, 16 phòng chức năng và 1 nhà đa năng, tổng kinh phí 45 tỷ đồng; đáp ứng nhu cầu dạy và học, sinh hoạt của học sinh. Hằng năm, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi đạt trên 70% trở lên; hơn 98% số học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt. Năm học 2020-2021 và 2021-2022, có 100% số học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp; trên 40% số học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.
Còn tại Trường PTDT nội trú huyện Quỳnh Nhai, giai đoạn 2021-2023 được đầu tư xây dựng nhà lớp học bộ môn 3 tầng 6 phòng, nhà nội trú học sinh 3 tầng, 36 phòng và các hạng mục phụ trợ, tổng mức đầu tư trên 20,7 tỷ đồng. Thầy giáo Nguyễn Duy Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Trường có trên 420 học sinh, cơ sở vật chất được sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục là nguồn động viên lớn, tiếp thêm động lực để thầy, trò thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Em Lò Thị Huyền, lớp 12A, Trường PTDT nội trú huyện Quỳnh Nhai phấn, khởi nói: Chúng em coi trường học như là ngôi nhà thứ hai của mình. Tại đây, ngoài được học tập, em và các bạn còn được hỗ trợ ăn, ở, đi lại. Bố mẹ em không phải lo lắng đưa đón nữa, em sẽ tiếp tục cố gắng học thật tốt để thi vào đại học.
Trên địa bàn toàn tỉnh có 12 trường nội trú, trong đó, 11 trường phổ thông DTNT THCS và THPT tại 11 huyện và 1 trường phổ thông DTNT tỉnh, với tổng số trên 5.000 học sinh. Những năm qua, được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống các trường phổ thông DTNT tiếp tục được củng cố về quy mô, chất lượng đào tạo. Đến nay, 10/12 trường đạt chuẩn quốc gia.
Triển khai thực hiện tiểu dự án 1 về củng cố hoạt động, đổi mới phát triển các trường phổ thông DTNT, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS thuộc dự án 5, Chương trình 1719, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đảm bảo đúng kế hoạch, mục tiêu, nội dung nhiệm vụ được phê duyệt.
Được giao chủ trì thực hiện tiểu dự án 1 thuộc dự án 5, giai đoạn 2021-2025, Sở GD-ĐT tham mưu bố trí từ Chương trình MTQG 1719 thực hiện 14 dự án, tổng số vốn trên 257 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng bổ sung phòng học, phòng bộ môn, nhà ở nội trú, bán trú học sinh, nhà ăn, nhà bếp, các công trình phụ trợ khác, mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học, nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh dân tộc thiểu số của các huyện.
Đảm bảo tiến độ các dự án, Sở GD-ĐT phối hợp với các đơn vị hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, khởi công xây dựng; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương huy động nguồn xã hội hóa đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giáo dục, chuẩn hóa về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với các trường phổ thông DTNT, bán trú. Đến nay, tiến độ giải ngân các dự án đạt 69%.
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất các trường phổ thông DTNT, trường PTDT bán trú, Sở GD&ĐT còn tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tuyên truyền công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Chỉ đạo các trường làm tốt điều tra, nhập số liệu từ phiếu điều tra vào phần mềm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ giữa các cấp học, giữa nhà trường với các cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, gia đình học sinh trên từng địa bàn dân cư, huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, có biện pháp tích cực để hạn chế học sinh lưu ban, bỏ học, nâng cao hiệu quả đào tạo.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng các công trình, các trường phổ thông DTNT từng bước được đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo quy định của Bộ GD&ĐT, đáp ứng được yêu cầu phục vụ giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới; đảm bảo các điều kiện ăn, ở sinh hoạt của học sinh nội trú, bán trú. Việc bảo đảm quyền học tập cho học sinh DTTS và các chính sách liên quan, đã giúp ngành giáo dục hoàn thành nhiệm vụ phát triển giáo dục đại trà trên toàn tỉnh, tạo chuyển biến tích cực trong giáo dục vùng DTTS của tỉnh.
Năm 2024, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất tại các trường dân tộc nội trú; chỉ đạo các trường dân tộc nội trú thực hiện tốt cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục các trường phổ thông DTNT nói riêng và chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS tỉnh nói chung.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!