Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, những năm qua, ngành Giáo dục - Đào tạo luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, giỏi về chuyên môn, có năng lực sư phạm, khả năng truyền cảm hứng và động lực học tập, tu dưỡng đạo đức, giáo dục nhân cách cho học sinh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 23.468 cán bộ, giáo viên (CBGV). Nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp; rà soát, sắp xếp lại CBGV; đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBGV; tăng cường thăm lớp, dự giờ, viết sáng kiến kinh nghiệm, tổ chức thi giáo viên giỏi các cấp; đánh giá xếp loại cán bộ quản lý...
Hằng năm, trên cơ sở quy mô trường, lớp và học sinh, ngành GD&ĐT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tuyển dụng, bổ sung giáo viên cho các đơn vị đảm bảo định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập theo quy định của Bộ GD&ĐT. Giai đoạn 2013-2023 ngành đã tuyển mới 1.242 giáo viên ở các cấp học. Trong đó, ưu tiên người có trình độ cao; có bằng tốt nghiệp loại giỏi đúng chuyên ngành; có thành tích xuất sắc trong học tập... tạo nguồn giáo viên có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giai đoạn hiện nay.
Công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng. Trên cơ sở đánh giá chất lượng đội ngũ, kết hợp với nhu cầu đào tạo và công tác bố trí, sử dụng và quy hoạch cán bộ. Trong đó, bồi dưỡng theo hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên các cấp học; tổ chức hội nghị triển khai xây dựng và chuẩn bị các điều kiện áp dụng chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; tập huấn mô hình trường học mới qua trang mạng “Trường học kết nối”; tổ chức hội thảo, bồi dưỡng giáo viên THPT về dạy học, ôn tập, ôn thi, đáp ứng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo.
Trong giai đoạn 2013-2023, khối các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đã cử 1.653 cán bộ quản lý bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục trước khi được bổ nhiệm; 10.716 lượt giáo viên được cử đi đào tạo trình độ đại học và trên đại học; 1.276 người được cử đi bồi dưỡng tin học; 1.270 người được cử đi bồi dưỡng tiếng Anh. Các cơ quan quản lý hành chính thuộc Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT đã cử 143 công chức đi đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; 71 công chức giữ chức vụ quản lý được bồi dưỡng theo quy định; 73 công chức bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên và chuyên viên chính... Hằng năm, 100% viên chức sự nghiệp trong ngành được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT...
Hiện nay, ngành có 2 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 426 thạc sĩ, 16.232 CBGV có trình độ đại học, 4.491 cao đẳng, còn lại là trình độ trung cấp. 98% số giáo viên và cán bộ quản lý bậc mầm non đạt chuẩn và trên chuẩn; 95% số giáo viên và cán bộ quản lý bậc tiểu học đạt chuẩn và trên chuẩn; bậc THCS có trên 98% số giáo viên và cán bộ quản lý đạt chuẩn và trên chuẩn; bậc THPT và GDTX đạt chuẩn và trên chuẩn 100%.
Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Từ việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, ngành đã tạo bước chuyển quan trọng về chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là chất lượng mũi nhọn. Hằng năm, trung bình trên 25% số học sinh trúng tuyển vào các trường đại học. Giai đoạn 2013-2023, tỉnh có học sinh đạt các giải tại các kỳ thi quốc gia, quốc tế: 1 Huy chương Bạc Olympic Vật lí khu vực Châu Á; 1 Huy chương Vàng Olympic Vật lí quốc tế; 1 Huy chương Vàng Olympic Vật lí khu vực Châu Á; 1 Huy chương Vàng Olympic Vật lí quốc tế. 1 học sinh đạt giải Ba chung kết Cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”. Tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, xóa mù chữ mức độ 2.
Huyện Thuận Châu luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện điều động, luân chuyển, sắp xếp giáo viên hợp lý, quan tâm những xã vùng ba, vùng cao. Hiện nay, huyện có trên 95% số giáo viên ở các bậc có trình độ đào tạo trên chuẩn. Nhờ đó, 29 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 22 xã đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 7 xã đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 29 xã, thị trấn đạt xóa mù chữ mức độ 2.
Trường tiểu học thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, có 48 cán bộ, giáo viên. Hằng năm, nhà trường rà soát, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Thường xuyên tổ chức dự giờ, kiểm tra chuyên môn giáo viên còn thiếu kinh nghiệm để giúp đỡ; cử giáo viên giỏi kèm giáo viên khá. Thầy giáo Hoàng Minh Tú, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Hiện nay, 100% giáo viên của trường đạt chuẩn và trên chuẩn. 6 lần được nhận cờ thi đua dẫn đầu khối tiểu học toàn tỉnh; được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua; Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”.
Với các giải pháp đồng bộ, đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo trên địa bàn tỉnh vững về tư tưởng chính trị, cơ bản đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ; có ý thức bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực nghề nghiệp, rèn luyện phẩm chất, phấn đấu đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT trong giai đoạn mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!