Thời điểm này, các cấp, các ngành, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh đang khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị về mọi mặt để kỳ thi đạt kết quả cao nhất.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, toàn tỉnh có 11.803 thí sinh đăng ký dự thi. Kỳ thi diễn ra từ ngày 27 đến ngày 30/6, với 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Chuẩn bị cho kỳ thi, ngành GD&ĐT tỉnh đã chỉ đạo các trường học nâng cao chất lượng ôn tập, chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi, phấn đấu giữ vững và vượt tỷ lệ tốt nghiệp năm 2022, nâng cao phổ điểm trong kỳ thi năm 2023.
Thi đua cao điểm 120 ngày cống hiến
Ngành Giáo dục đã phát động thi đua cao điểm 120 ngày cống hiến, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu chất lượng tốt nghiệp THPT năm nay. Theo đó, các trường THPT, trung tâm GDTX thực hiện phân hóa học sinh khối 12 theo năng lực chung, đề ra mục tiêu phấn đấu về chất lượng cho tổ chuyên môn. Thông qua từng đợt thi thử, đánh giá chất lượng chung và tiếp tục cải tiến phương pháp ôn tập của học sinh. Trong đợt thi đua, đoàn viên công đoàn ngành Giáo dục tự nguyện tham gia giảng dạy củng cố, bổ sung kiến thức, phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu, kém, học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp, thí sinh tự do đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Các trường nội trú quan tâm quản lý học sinh ôn tập buổi tối. Huy động các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên kiểm tra công tác ôn, tự ôn buổi tối. Nhiều thầy cô giáo các trường THPT xung phong hỗ trợ miễn phí công tác ôn thi.
Ông Nguyễn Cảnh Hưng, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, đánh giá: Các trường học đã có kế hoạch nâng cao chất lượng cụ thể cho từng tổ chuyên môn; lập danh sách học sinh yếu, nguy cơ trượt tốt nghiệp để có kế hoạch phối hợp với đoàn thể, chuyên môn ôn thi cho học sinh. Sau hơn 90 ngày thi đua, công đoàn cơ sở các trường học trực thuộc đã phát động giúp đỡ 1.600 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá 500 triệu đồng; hơn 22.000 tiết phụ đạo miễn phí cho học sinh ôn thi. Sau 3 lần tổ chức thi thử, tỷ lệ học sinh có khả năng thi đỗ tốt nghiệp đạt hơn 97%.
Thực hiện đợt thi đua cao điểm, các nhà trường có học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh chia thành nhiều giai đoạn dạy học, ôn tập phù hợp với khả năng nắm bắt kiến thức của học sinh. Giáo viên ôn tập cho các em xây dựng kế hoạch ôn tập riêng theo từng tuần, từng tháng và từng giai đoạn; tăng cường hỗ trợ học sinh làm quen với hình thức thi…
Năm học 2022-2023, Trường THPT Bình Thuận, huyện Thuận Châu có 182 học sinh lớp 12, kết thúc các đợt kiểm tra, khảo sát lực học, nhà trường rà soát phân hóa và tổ chức ôn tập; trong đó có gần 50 học sinh học lực yếu nguy cơ trượt tốt nghiệp. Nhà trường đã tổ chức ôn thêm 3 buổi/tuần phụ đạo vào các buổi chiều, buổi tối cho các em. Phối hợp với phụ huynh quản lý học sinh; chỉ đạo giáo viên chuẩn bị kiến thức phù hợp với đối tượng học sinh, phấn đấu 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT.
Cô giáo Lương Thị Chương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Hiện nay, trường có gần 100 học sinh lớp 12 ở bán trú, trong đó, 16 em có hoàn cảnh khó khăn. Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với Hội Khuyến học huyện hỗ trợ 700 nghìn đồng/học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phân công giáo viên quản lý học sinh trong thời gian học buổi tối, giúp các em vững tâm ôn tập, tự tin bước vào kỳ thi đạt kết quả cao.
Huyện Sông Mã có 5 trường có khối 12, với 1.252 học sinh; trong đó 24 học sinh đăng ký hoàn thành chương trình, còn lại là đăng ký thi tốt nghiệp và xét nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng. Từ đầu tháng 3, các nhà trường tập trung ôn thi và tổ chức thi thử theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, đã tổ chức 4 lần thi thử, trong đó, 2 lần đề của các trường và 2 lần đề của Sở GD&ĐT. Các nhà trường phân hóa học sinh theo môn học; giáo viên điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ôn thi; bồi dưỡng kiến thức nâng cao cho học khá, giỏi để đạt kết quả cao trong xét tuyển đại học, cao đẳng.
Cô giáo Lò Thị Xuyên, Trường THPT Mường Lầm, huyện Sông Mã, chia sẻ: Tôi đã bám sát cấu trúc đề thi tham khảo và đề thi chính thức các năm trước của Bộ GD&ĐT, căn cứ vào thực tế học sinh để xây dựng nội dung ôn tập sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, giúp học sinh có được những kiến thức ở từng mức độ khác nhau, như: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng tốt kiến thức vào quá trình làm bài thi.
Chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi
Ông Lê Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh năm 2023, cho biết: Toàn tỉnh sẽ tổ chức 1 hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì, với 11.803 thí sinh, bố trí tại 34 điểm thi, 525 phòng thi, bao gồm cả phòng chờ và phòng thi dự phòng; huy động 2.079 cán bộ coi thi, phục vụ, bảo vệ đề thi. Ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyên truyền tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội. Tổ chức quán triệt các yêu cầu tổ chức thi, những điểm mới của kỳ thi và phối hợp, thống nhất phương án ôn tập cho học sinh.
Ngay từ đầu tháng 5, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo 34 điểm thi tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá cơ sở vật chất, trang thiết bị; hệ thống camera giám sát các hoạt động tại các phòng chứa đề thi, bài thi tại các điểm thi... Qua đó, đề xuất mua sắm, bổ sung phục vụ cho công tác tổ chức kỳ thi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố tham mưu, chỉ đạo tổ chức kỳ thi. Các phương án đảm bảo điều kiện về an toàn giao thông, an ninh trật tự, thông tin liên lạc, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, điện, nước… phục vụ kỳ thi được bảo đảm.
Trường THPT Tô Hiệu, Thành phố điểm thi có số lượng thí sinh dự thi đông nhất tỉnh. Nhà trường đã chuẩn bị 26 phòng thi để tổ chức cho hơn 542 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 469 thí sinh của trường, 73 thí sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Đồng thời, bố trí 2 phòng chờ cho các thí sinh; 1 phòng dự phòng trường hợp xảy ra dịch bệnh và có thí sinh phải cách ly.
Thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Hiệu trường Trường THPT Tô Hiệu, cho biết: Hiện nay, nhà trường đang phối hợp với các đơn vị xây dựng các phương án phòng, chống cháy nổ, mưa bão, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế, điện, nước. Đồng thời, phối hợp với các xã, phường huy động lực lượng đoàn viên tham gia tiếp sức mùa thi; có phương án dự phòng, sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất thường có thể xảy ra theo quy định, hướng dẫn của cấp trên.
Với sự chuẩn bị của ngành GD&ĐT cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành và phụ huynh học sinh, kỳ thi năm nay sẽ đảm bảo theo yêu cầu “4 đúng”: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng, đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm (kịp thời) xử lý những sự cố, tình huống bất thường; “3 không”: không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường; không căng cứng, áp lực thái quá theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!