Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, thời gian qua, ngành GD-ĐT đã triển khai nhiều giải pháp một cách chủ động, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 100% trẻ mầm non được tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi; 100% học sinh dân tộc thiểu số bậc tiểu học tiếp tục được tăng cường tiếng Việt.
Điểm trường Huổi Luông Trường PTDT bán trú, tiểu học, THCS Mường Lèo (Sốp Cộp)
được đầu tư xây dựng kiên cố.
Với mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 35% trẻ em người (DTTS) trong độ tuổi nhà trẻ và 98% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được huy động ra lớp; trong đó, đảm bảo 100% trẻ em DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi; 100% học sinh DTTS trong các cơ sở giáo dục tiểu học tiếp tục được tăng cường tiếng Việt. Để thực hiện hiệu quả Đề án, ngành GD-ĐT tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền; hỗ trợ phụ huynh trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học qua việc tạo cơ hội, môi trường giao tiếp, tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động ngoại khóa. Tích cực thực hiện các hoạt động tăng cường tiếng Việt riêng biệt, như: “Xây dựng môi trường văn hoá đọc”; “Thư viện xanh”;“Tiếng Việt của chúng em”; “Câu lạc bộ nói, viết bằng tiếng Việt”, “Giao lưu kể truyện, đọc thơ, bằng tiếng Việt cho trẻ DTTS”... Cùng với đó, các cấp, ngành toàn tỉnh luôn quan tâm công tác nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên tiểu học, mầm non ở vùng dân tộc thiểu số.
Theo bà Điêu Thị Dân, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, tỷ lệ trẻ mầm non, học sinh tiểu học dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh chiếm tới 82%; 100% các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học trong tỉnh có trẻ người DTTS. Do vậy, công tác tăng cường học liệu, trang thiết bị đồ dùng đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt cũng được các cấp, ngành quan tâm. Các huyện, thành phố đã tập trung tu bổ, cải tạo, sửa chữa, làm mới phòng học, công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, bếp ăn; bàn giao phòng học kiên cố, bán kiên cố, nhà công vụ cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn. Ưu tiên phòng học kiên cố, bán kiên cố, phòng đủ diện tích đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/lớp cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi; hiện, tổng số bếp ăn phục vụ bán trú cho bậc tiểu học đạt 71,1%; mầm non đạt 76,8%. Qua thực hiện Đề án, 96,7% trẻ mầm non vùng DTTS ra trường, lớp, vượt 6,7% so với kế hoạch. Đa số trẻ DTTS mạnh dạn tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Việt và đánh giá đạt yêu cầu theo các lĩnh vực phát triển; 100% trẻ em, học sinh người DTTS trong các trường mầm non, tiểu học được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học; có 72,9% trẻ em mầm non DTTS được ăn bán trú tại trường mầm non và 100% học sinh tiểu học DTTS trong diện chính sách được ăn bán trú tại trường tiểu học. 95,5% giáo viên mầm non; 80,6% giáo viên tiểu học dạy trong các trường có học sinh DTTS có trình độ đạt chuẩn trở lên. Cơ sở vật chất được cải thiện đáng kể, 101 trường tiểu học có nhà bếp đạt yêu cầu; 89 trường có thư viện đạt chuẩn; 225 trường tiểu học được kết nối internet. Đối với cấp mầm non, có 2.751 lớp được đầu tư trang thiết bị tăng cường tiếng Việt...
Tuy nhiên, với số trẻ người DTTS thuộc địa bàn xã khó khăn, đặc biệt khó khăn lớn; nhận thức của trẻ trong các lớp không đồng đều, nên các hoạt động tương tác của trẻ mầm non, học sinh tiểu học gặp nhiều khó khăn do các em chưa quen với môi trường mới, nhút nhát thiếu tự tin, ngại giao tiếp với người lạ... Hiện nay, tỷ lệ trẻ em DTTS độ tuổi nhà trẻ ra trường, lớp mới đạt 20,7%, chưa đạt so với kế hoạch. Toàn tỉnh vẫn còn 375 phòng học tạm cho trẻ mầm non; cả tỉnh chỉ có 02 cộng tác viên, nhân viên, tình nguyện viên hỗ trợ ngôn ngữ tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS ở cấp học mầm non.
Trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục đầu tư học liệu, đồ dùng, đồ chơi và xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ em DTTS phù hợp với điều kiện thực tiễn từng nhà trường; phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, nhất là đội ngũ giáo viên dạy học ở vùng đồng bào DTTS; tiếp tục thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động các nguồn lực để hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học thuộc vùng DTTS trong toàn tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!