Chắp cánh ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số

Thành lập năm 1964, tiền thân là Trường Thiếu nhi dân tộc tỉnh Sơn La. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ giáo viên, nhân viên của Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh đã vượt qua khó khăn, thử thách, là nơi đào tạo nguồn nhân lực, chắp cánh ước mơ cho hàng nghìn học sinh dân tộc thiểu số của tỉnh. Từ mái trường này, nhiều thế hệ học sinh các dân tộc đã trưởng thành, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của tỉnh.

Giọng nữ
Lãnh đạo Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh (đầu tiên bên trái) nhận Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm học 2022-2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Một thời gian khó

Giai đoạn đầu khi mới thành lập, trường chỉ có cấp tiểu học, đến năm 1966 có cấp THCS nhỏ đến lớp 6; năm 1967 có lớp 7 hoàn chỉnh cấp THCS. Thời kỳ chiến tranh, Trường Thiếu nhi dân tộc tỉnh sơ tán đến bản Hịa, xã Hua La, thị xã Sơn La. Nhà trường nhanh chóng ổn định nhiệm vụ giảng dạy và học tập; có những lúc lớp học chuyển vào hang núi, hoặc dựng lều ở khe suối, rừng sâu; cơ sở vật chất khó khăn thiếu thốn. Năm 1966 đế quốc Mỹ đánh phá khu vực thị xã Sơn La cả ngày lẫn đêm, việc vận chuyển lương thực, thực phẩm vào nơi sơ tán nhiều khi bị gián đoạn, thầy và trò phải tự túc lương thực và thực phẩm.

Bà Cầm Thị Phụi, cựu học sinh (niên khóa 1964 -1968), kể lại: Năm 1964, tôi học lớp 4, trường lúc đó vừa dựng tạm, các lớp bằng lá đơn sơ, vách liếp. Mặc dù học tập trong điều kiện khó khăn, nhưng chúng tôi luôn chăm chỉ học, đoàn kết như anh em 1 nhà. Ngôi trường đã nuôi dưỡng, chắp cánh cho tôi ước mơ, trang bị những kiến thức và tư chất đạo đức con người mới XHCN, đó là hành trang quý báu để chúng tôi tiếp tục phát huy trong giai đoạn tiếp theo, phấn đấu trở thành cán bộ có đủ tâm, đủ tầm phục vụ quê hương, đất nước.

Thời kỳ 1973-1987, nhà trường chuyển về địa điểm cũ tại bản Là, xã Chiềng Cơi. Do có sự chuẩn bị, nên chỗ ăn, ở của gần 400 cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh ổn định. Giữa năm 1975, trường chuyển ra bản Pọng, xã Hua La. Đến tháng 8/1982, trường chuyển về đồi Pom La, bản Là, xã Chiềng Cơi.

Học sinh Trường phổ thông DTNT tỉnh chăm sóc vườn rau.

Từ năm 1987, một bộ phận cơ sở vật chất, giáo viên, nhân viên, lớp học của Trường Đào tạo cán bộ các dân tộc khu Tây Bắc được sáp nhập vào Trường Thiếu nhi Dân tộc tỉnh Sơn La. Từ đây, trường mang tên Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh (DTNT), với nhiệm vụ đào tạo cấp THCS và THPT. Đến năm 1998, trường thực hiện nhiệm vụ phân cấp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) các trường phổ thông DTNT cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ giáo dục cấp THPT. Thời điểm đó trường có 12 lớp (mỗi khối 4 lớp) cấp THPT; số lượng giáo viên thiếu, thầy cô phải dạy hai ca, với 40 tiết/tuần.

Thầy giáo Cầm Nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường phổ thông DTNT tỉnh (giai đoạn 1997 - 2006), cho hay: Năm 1997, tôi về giữ chức Hiệu trưởng nhà trường. Lúc đó, trường có 3 lớp THPT, 6 lớp THCS và 2 lớp cấp tiểu học, các lớp học được xây tường, mái lợp ngói; các thầy cô chủ yếu được cấp phòng sinh hoạt. Cuộc sống thiếu thốn và gian khổ, nhưng tình cảm thầy trò sâu đậm.

Giờ học của cô và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh.

Thi đua dạy tốt, học tốt

Trải qua các giai đoạn lịch sử, đến nay, Trường phổ thông DTNT tỉnh phát triển nhanh về quy mô, cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo. Năm 2010, trường được đầu tư xây dựng mới tại bản Ka Láp, xã Chiềng Ngần, Thành phố, gồm: 2 nhà lớp học, 34 phòng học hiện đại, 1 nhà thực hành, 1 nhà hiệu bộ, 2 nhà nội trú, 1 nhà ăn, và 1 nhà đa năng. Ngoài ra, trường còn được trang bị sân bóng đá, khu vườn rau, ao cá, hệ thống sân trường, cảnh quan môi trường giáo dục sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Hiện nay, nhà trường có 24 lớp, với 816 học sinh, thuộc 11 dân tộc theo học; 80 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn; 13 giáo viên được công nhận dạy giỏi cấp tỉnh; 25 giáo viên dạy giỏi cấp trường; 5 giáo viên cốt cán cấp tỉnh. Từ năm 2017, trường đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia.

Nhà trường tập trung thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua: “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học”, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với rèn luyện để “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Hằng năm, nhà trường cử giáo viên bồi dưỡng nâng cao chất lượng học sinh khá, giỏi để thành lập các đội tuyển thi chọn học sinh giỏi các cấp; đồng thời xây dựng kế hoạch phụ đạo kiến thức cho những học sinh học lực yếu.

Học sinh Trường phổ thông DTNT tỉnh đọc sách tại thư viện.

Trong hai năm học 2022-2023, 2023-2024, nhà trường duy trì sĩ số học sinh đạt gần 100%. Hằng năm, trên 99,7% số học sinh có học lực từ trung bình trở lên, trong đó học lực khá, giỏi đạt hơn 80%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%; đứng thứ 3 toàn tỉnh về phổ điểm thi tốt nghiệp. Tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng đạt trên 60%. Từ năm 2022 đến nay, học sinh trong trường đoạt 98 giải học sinh giỏi THPT cấp tỉnh; 1 dự án tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh đoạt giải tư; tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh đoạt giải ba toàn đoàn, với 106 huy chương; 1 học sinh tham gia đội tuyển bóng đá nữ thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng khu vực I đạt huy chương vàng môn bóng đá nữ.

Em Quàng Thị Huyền, lớp 12D đều đạt học sinh tiên tiến; vừa qua, em được Sở GD&ĐT tổ chức thi tuyển và chọn tham gia ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi môn địa lý để dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025. Huyền cho biết: Học tập dưới mái trường nội trú, em nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình, chu đáo của thầy, cô giáo và bạn bè, nên giúp em yên tâm học tập. Em cố gắng học thật giỏi sau này trở thành công dân có ích cho xã hội.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh trao đổi sau giờ học.

Lá cờ đầu trong ngành GD-ĐT

Là trường nội trú, học sinh ăn, ở và sinh hoạt tại trường, nên việc quan tâm bữa ăn của học sinh được nhà trường chú trọng. Với sự chỉ bảo tận tình, giúp đỡ của giáo viên, các em thực hiện tốt nội quy của trường, nội quy ký túc xá. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp; các cuộc thi và biểu diễn giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... để học sinh có cơ hội phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản. Chú trọng, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đặc thù để các em nhận thức trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lòng tự hào về truyền thống văn hóa.

Thầy giáo Nguyễn Danh Tân, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: 60 năm qua, nhà trường trở thành lá cờ đầu trong ngành GD&ĐT. Trường vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc; liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, xuất sắc; nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc và bằng khen. Đã có 110 học sinh của nhà trường trưởng thành, công tác tại Trung ương, tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, cán bộ lãnh đạo xã, các phòng, ban của huyện, thành phố.

Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, thầy giáo, cô giáo, học sinh nhà trường tiếp tục nỗ lực thi đua dạy tốt, học tốt, đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo tạo nguồn lực cho quê hương.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới