Bám sát thực tiễn, đưa Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống; đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Sơn La vận dụng sáng tạo, khai thác tiềm năng lợi thế để biến những vùng đồi núi thành vựa trái cây, tạo nên những bước tiến vượt bậc, trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp của cả nước.
Chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành tại Kết luận số 121-TB/TU ngày 30/11/2015 là quyết sách quan trọng nhằm thống nhất về cơ chế, chính sách, gắn quy hoạch với tổ chức lại sản xuất, khai thác lợi thế từng vùng, tạo bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc ở Sơn La, mở ra quá trình chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Mục tiêu là tạo đột phá thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, giống cũ, năng suất thấp sang sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao.
Tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy nông nghiệp phát triển, năm 2017-2018, HĐND tỉnh đã ban hành 4 nghị quyết quan trọng, gồm: Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 quy định hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 37/NQ-HĐND và Nghị quyết số 80/2018/NQ-HĐND về thông qua Đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 4/4/2018 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021.
Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn. Chính sách hỗ trợ 200 nghìn đồng/hộ dân tham gia ghép mắt cải tạo vườn tạp, riêng hộ tái định cư thủy điện Sơn La hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ. Từ năm 2017-2018, Sơn La hỗ trợ gần 90.000 hộ, với khoảng 30% dân số của tỉnh tham gia ghép cải tạo trên 13.000 ha cây ăn quả các loại, với nguồn ngân sách khoảng 18 tỷ đồng.
Sau 3 năm triền khai toàn tỉnh đã chuyển đổi 52.190 ha cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đến năm 2020, diện tích, sản lượng quả tăng gấp 3,3 lần so với năm 2015, đưa Sơn La trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả đứng thứ 2 cả nước.
Với vùng cây ăn quả phát triển rộng lớn, HĐND tỉnh Sơn La tiếp tục ban hành các nghị quyết quan trọng, tập trung khuyến khích hỗ trợ ứng dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP, xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm…
Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 4/4/2018 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2021; Nghị quyết số 80/NQ-HĐND về đề án phát triển cây ăn quả đến năm 2020; Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 28/2/2020 về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Ngày 9/12/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐND về quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025. Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ giống dứa với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; hỗ trợ màng phủ nilon sử dụng làm vật liệu che phủ cho cây dứa theo quy trình kỹ thuật 3 triệu đồng/ha; hỗ trợ giống phát triển cây chanh leo với mức 5 triệu đồng/ha; hỗ trợ giống phát triển cây ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương, mức 3 triệu đồng/ha. Thời gian hỗ trợ đến 31/12/2025.
Từ năm 2020 đến nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt trên 84.700 ha, tăng trên 60.000 ha so với năm 2015, sản lượng quả năm 2023 ước đạt trên 450.000 tấn. Thương hiệu trái cây Sơn La an toàn đạt các tiêu chuẩn đưa vào bán tại hệ thống các siêu thị, xuất khẩu các thị trường, như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/1/2021 về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với quan điểm "Thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc". Thực hiện Nghị quyết số 08, UBND tỉnh ban hành 10 kế hoạch, 6 đề án; thành lập Tổ công tác theo dõi, triển khai thực hiện Nghị quyết; đồng thời khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX, người dân tham gia đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thực hiện Nghị quyết số 08, cơ cấu ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh có 288 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; có 22.459 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tương đương; 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; 154 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; đã cấp được 288 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, diện tích trên 4.600 ha; trên 1.200 ha ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm nước; 53 ha sản xuất trong nhà kính, nhà lưới; 21 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ…
Tỉnh Sơn La đã thực hiện hiệu quả Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 30/NQ-CP, ngày 7/3/2017 về chương trình cho vay với lãi suất thấp đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đồng thời tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như: Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021 đã hỗ trợ cho 711 lượt tổ chức, cá nhân xây dựng 25 kho bảo quản đông lạnh, lạnh; 19 công ten nơ đông lạnh, lạnh; 690 lò sấy hơi nhiệt, nhiệt lạnh...
Chiến lược sản xuất nông nghiệp của Sơn La là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và nông nghiệp hữu cơ. Nhiệm vụ đặt ra cho HĐND tỉnh là tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành thêm các cơ chế, chính sách tiếp sức cho nông nghiệp vươn xa, nâng tầm giá trị, mang về những mùa trái ngọt.
Đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp được kết nối tiêu thụ trên các thị trường nội, ngoại tỉnh và nước ngoài, Ban Chỉ đạo tỉnh về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tỉnh (BCĐ 598 tỉnh) đã chỉ đạo các thành viên đẩy mạnh mở rộng giao thương, xúc tiến thương mại, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị nông sản. Các sở, ban, ngành thành viên BCĐ 598 tỉnh, đã tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và các doanh nghiệp lớn, như: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty cổ phần Central Retail Việt Nam... hỗ trợ tỉnh Sơn La quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Thường xuyên cập nhật thông tin và diễn biến tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX điều tiết hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Thương hiệu nông sản an toàn của Sơn La ngày càng vươn tới các thị trường trong và ngoài nước; có mặt ở hầu hết các siêu thị, chuỗi cung ứng nông sản an toàn các tỉnh, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 17 mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ, EU...
Sơn La đang có bước đi vững chắc tạo ra những vùng chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện thực mục tiêu “Nông nghiệp của Sơn La tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Thực hiện: Huy Ngoan và nhóm phóng viên
Thiết kế: Trung Hiếu
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!