“Hỗ trợ Nông dân Sơn La liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững", là chủ đề hội nghị đối thoại với nông dân tỉnh Sơn La năm 2024, do đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì diễn ra ngày 12/11/2024.
Dự hội nghị, có lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành của tỉnh và 120 cán bộ, hội viên nông dân, doanh nghiệp, HTX tiêu biểu đại diện trên 160.000 nông dân trong tỉnh.
Hội nghị đối thoại diễn ra trong không khí cởi mở, đã có 19 câu hỏi của cán bộ, hội viên nông dân, các HTX, doanh nghiệp trong toàn tỉnh, nội dung tập trung vào các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo đó, nông dân huyện Vân Hồ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quản chức năng, phối hợp với Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, sớm có phương án và hợp đồng thu mua sản phẩm cho nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung và huyện Vân Hồ nói riêng. Số lượng, tiêu chuẩn và giá thành cụ thể từng loại quả để các Hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân biết và chủ động ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho nhà máy. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xem xét, xây dựng chính sách hỗ trợ xây dựng đường nội đồng, hệ thống tưới ẩm, bể chứa nước phục vụ vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao?
Trả lời nội dung này, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ thuộc Tập đoàn TH xây dựng trên địa bàn huyện Vân Hồ. Những năm trước, nhà máy đã thu mua thực hiện chế biến thử một số sản phẩm nông sản. Năm 2024, đã thu mua ước đạt 900 tấn nguyên liệu gồm mận, nhãn, xoài, mắc ca phục vụ nhà máy chế biến. Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu và công xuất của nhà máy đã xây dựng kế hoạch vùng nguyên liệu để thu mua phục vụ chế biến, ban hành các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng từng loại sản phẩm, giá thành thu mua theo từng thời điểm thu hoạch của từng loại cây trồng.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện Vân Hồ, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, cá nhân liên quan làm việc trực tiếp với Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ thuộc Tập đoàn TH để nắm bắt kế hoạch sản xuất, thu mua nguyên liệu cũng như các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành thu mua của các loại sản phẩm để xây dựng phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng và thông báo để các HTX, tổ hợp tác và các hộ dân biết, chủ động ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho nhà máy.
Trả lời ý kiến của Hội Nông dân huyện Bắc Yên đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành xem xét đề nghị Ngân hàng CSXH tăng mức cho vay vốn giải quyết việc làm, lãnh đạo Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Quá trình triển khai, thực hiện chương trình cho vay tạo việc làm và duy trì mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh, người lao động vay vốn chủ yếu để phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả… Do vậy, hiện nay, mức cho vay 100 triệu đồng/lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và không phải có tài sản đảm bảo tiền vay là phù hợp với người lao động. Trường hợp, trong gia đình có 2 lao động chưa có việc làm hoặc chưa có việc làm ổn định, có thể vay tối đa 200 triệu đồng (100 triệu đồng/lao động).
Cũng tại cuộc đối thoại, nông dân đề nghị tỉnh đầu tư các tuyến đường từ xã của huyện Bắc Yên sang các huyện lân cận để phát triển du lịch, tạo điều kiện cho nhân dân giao thương và vận chuyển hàng hoá sản xuất thuận lợi, giảm chi phí vận chuyển, tăng giá sản phẩm cho nông dân.
Ông Đào Tài Tuệ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đã trả lời: Căn cứ quy hoạch và nhu cầu phát triển, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu đầu tư xây dựng đoạn tuyến của nông dân đề xuất nằm trong dự án: Đường liên vùng kết nối 4 huyện Yên Châu - Phù Yên - Mộc Châu - Bắc Yên với chiều dài 80km. Hiện nay, dự án nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư trong Đề án "Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Sơn La theo hướng đồng bộ giai đoạn 2026-2030". Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 2745/SGTVT-KHTC ngày 9/9/2024. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, triển khai thực hiện theo quy định…
Ngoài những câu hỏi đã trả lời tại hội nghị đối thoại, còn các ý kiến, câu hỏi chưa trả lời trực tiếp sẽ được Hội Nông dân tỉnh tổng hợp, gửi đến các sở, ngành và xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh để có văn bản trả lời gửi đến nông dân.
Hội nghị đối thoại là diễn đàn quan trọng, dân chủ để nông dân, các cấp hội nông dân trong tỉnh, hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các HTX, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng với UBND tỉnh về những thành tựu đã đạt được; nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phát biểu kết luận hội nghị đối thoại, đồng chí Nguyễn Thành Công đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại; nông dân văn minh”. Các sở, ban, ngành nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của nông dân; rà soát các quy định, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Từ đó, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, để các nghị quyết, cơ chế chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Tiếp tục tham mưu các giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị trên một diện tích, khuyến khích nông dân đầu tư, phát triển...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!