Ngày 28/7, công ty công nghệ sinh học Biontech của Đức và đối tác, nhà sản xuất dược phẩm Pfizer của Mỹ thông báo sẽ bắt đầu tiến trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 mang tính quyết định đối với vắc-xin phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Biontech-Pfizer thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 mang tính quyết định đối với vắc-xin ngừa COVID-19. (Ảnh: biospace.com). |
Theo Chủ tịch Biontech, ông Ugur Sahin nghiên cứu thử nghiệm này sẽ được tiến hành cùng với sự tham gia của 30.000 người trên toàn thế giới.
Nếu thử nghiệm thành công, Biontech và Pfizer có thể đăng ký phê duyệt vắc-xin sớm nhất vào tháng 10. Nếu được chấp thuận, các công ty này có thể sẽ sản xuất tới 100 triệu liều vắc–xin vào cuối năm 2020 và 1,3 tỷ liều vắc–xin đến cuối năm 2021. Theo đó, mỗi bệnh nhân sẽ được tiêm 2 liều vắc-xin giúp tăng khả năng miễn dịch và 100 triệu liều vắc–xin đầu tiên được tiêm cho khoảng 50 triệu người.
Quá trình thử nghiệm này sẽ được tiến hành tại khoảng 120 địa điểm trên toàn cầu với 30.000 người tham gia (độ tuổi từ 18 đến 85), trong đó bao gồm cả các khu vực đang bị tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19.
Việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 này sẽ theo dõi liệu hoạt chất có tên gọi "BNT162b2" có thể thực sự bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không.
“2/3 giai đoạn thử nghiệm ban đầu là một bước quan trọng trong quá trình hướng đến việc cung cấp vắc–xin có khả năng ngăn chặn đại dịch COVID-19”, ông Kathrin Jansen, trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển vắc–xin tại Pfizer cho hay.
Pfizer cho biết, Chính phủ Mỹ đã nhất trí trả 1,95 tỷ USD để đảm bảo được mua 100 triệu liều vắc-xin có khả năng phòng virus SARS-CoV-2 của Pfizer. Thỏa thuận giữa 2 bên cũng cho phép Chính phủ Mỹ mua thêm 500 triệu liều vắc-xin khác. Hiện, công ty sản xuất dược phẩm Pfizer cũng đang đàm phán với chính phủ các nước khác, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU) về các thỏa thuận tương tự.
Vắc-xin của Pfizer sử dụng RNA thông tin (còn gọi là mRNA) để kích hoạt phản ứng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 ở bệnh nhân. Mặc dù công nghệ này đã xuất hiện trong nhiều năm, tuy nhiên đến hiện tại, chưa có loại vắc-xin RNA nào được cấp phép.
Hiện, trên thế giới đang có 4 dự án nghiên cứu vaccine ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trước đó, công ty Moderna của Mỹ cũng đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 mang tính quyết định trên 30.000 người tham gia từ ngày 27/7. Dự kiến, trong giai đoạn này, một nửa trong số 30.000 người sẽ được tiêm liều vắc–xin 100 microgram, trong khi những người còn lại sẽ được tiêm thuốc an thần. Thế giới đang trong cuộc chạy đua nhằm điều chế ra loại vắc-xin ngừa COVID-19 hiệu quả đầu tiên, công ty công nghệ sinh học như Biontech hay Moderma dường như đang giữ ưu thế khi đã tiến vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng – bước quyết định cuối cùng nhằm chứng minh loại vắc xin đó có an toàn và hiệu quả hay không.
Bên cạnh đó, công ty dược phẩm sinh học Sinovac Biotech (Trung Quốc) ngày 6/7 cũng cho biết sẽ bắt đầu giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên gần 9.000 nhân viên y tế tại Brazil trong tháng 7 này. Ngoài ra, loại vắc-xin khác do tập đoàn dược phẩm AstraZeneca (Anh) phối hợp với đại học Oxford phát triển cũng đang bước vào giai đoạn 3 quá trình thử nghiệm.
Công ty Johnson & Johnson dự kiến cũng sẽ tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2 trong tuần này./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!