Tiểu khu trưởng làm kinh tế giỏi

Được UBND xã Cò Nòi (Mai Sơn) giới thiệu, chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây dâu tây của ông Đỗ Mạnh Cường, Tiểu khu trưởng, Tiểu khu Huổi Dương, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao trong vài năm trở lại đây. Trung bình mỗi vụ, gia đình ông thu từ 300-350 triệu đồng từ bán cây giống. cây dâu cảnh và quả dâu tươi,... Mô hình đã trở thành một trong những địa chỉ uy tín về dâu sạch ở xã Cò Nòi.

 

Mô hình trồng dâu tây trong nhà lưới của ông Cường tại tiểu khu Huổi Dương, xã Cò Nòi (Mai Sơn).

Dẫn chúng tôi tham quan đồi dâu rộng 2,5 ha, trồng xen một số cây ăn quả khác, ông Cường cho hay: Năm 2013, sau khi những cây dâu giống đầu tiên được đưa về trồng tại một số bản trong xã, nhận thấy khí hậu, đất đai của địa phương phù hợp với loại cây trồng này, tôi đã mua 100 cây giống từ Viện Khoa học giống cây trồng về trồng thử nghiệm. Kết quả, vụ dâu tây năm đó gia đình tôi thu hơn 100 triệu đồng. Năm 2015, cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình, tôi đầu tư mở rộng mô hình, mua thêm cây giống, máy bơm, hệ thống tưới phun sương để chăm sóc cây dâu tây.

Trò chuyện với ông Cường được biết, năm 2018, ông đã đầu tư 170 triệu đồng xây dựng 600 m2 nhà lưới; áp dụng công nghệ tưới ẩm nhỏ giọt Isarel để giúp cây dâu phát triển tốt. Vườn dâu của gia đình ông Cường là một trong những nơi đầu tiên áp dụng trồng thử nghiệm cây dâu trong nhà lưới tại Tiểu khu Huổi Dương. Theo ông Cường, mô hình trồng dâu trong nhà lưới sẽ giúp chống sương, chống mưa đá, chống côn trùng, đảm bảo cây dâu phát triển thuận lợi và cho năng suất cao, chất lượng tốt.

Trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, ông Cường kể: Trên diện tích hơn 2,5 ha, mỗi năm, gia đình tôi thu 300 - 350 triệu đồng/vụ từ bán cây dâu giống, chậu dâu cảnh và quả dâu tươi. Ngoài ra, tôi còn thử nghiệm làm các phụ phẩm từ dâu như: Dâu phơi khô, siro dâu, rượu vang dâu,... để bán thử ra thị trường, không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều người dân trong bản, vì vào vụ tôi thuê thêm người chăm sóc, thu hoạch và đóng gói quả để chuyển đi tiêu thụ.

Từ hiệu quả kinh tế của mô hình trồng dâu tây của gia đình, ông Cường đã tuyên truyền, vận động người dân trong tiểu khu có diện tích đất trống hoặc đất trồng cây kém hiệu quả chuyển sang trồng cây dâu tây. Cùng với đó, ông hỗ trợ cây giống, chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây. Nhờ vậy, Tiểu khu Huổi Dương hiện có 30 hộ trồng cây dâu tây, với diện tích 4,26 ha, góp phần nâng thu nhập bình quân ở tiểu khu lên 26,4 triệu đồng/người/năm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Cường còn là Tiểu khu trưởng năng động và có nhiều sáng kiến. Được biết, vào mùa dâu, trước cửa nhà mỗi hộ trồng dâu đều đặt bàn, bày bán các sản phẩm dâu tây, cây giống,… Ông Cường cho rằng đây chỉ là một cách để các hộ tiếp thị sản phẩm chứ bán theo hình thức này hiệu quả không cao. Ông đã vận động Chi đoàn Thanh niên của tiểu khu đăng tin quảng cáo, rao bán sản phẩm trên các trang mạng. Hiệu quả thật bất ngờ, từ ngày sử dụng mạng xã hội để bán hàng, kết nối, từ khách mua lẻ đến khách mua buôn ngày một tăng. Từ đó, mọi người trong tiểu khu ai cũng lập các tài khoản Facebook, Zalo, thậm chí cùng nhau lập các trang “Dâu tây Sơn La”, “Dâu tây sạch Cò Nòi”,... để đăng bán và kết nối các mối hàng, góp phần đảm bảo đầu ra cho sản phẩm cây trồng của mỗi hộ trồng dâu.

Hiện nay, Tiểu khu Huổi Dương đã trở thành một trong những điểm trồng dâu uy tín của xã Cò Nòi. Trong kết quả chung đó có sự đóng góp không nhỏ của Tiểu khu trưởng Đỗ Mạnh Cường, xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo.

Lê Hạnh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới