Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, chàng thanh niên Lò Văn Chung, ở bản Nà Sành, xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, đã vượt khó, vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi dê.
Anh Lò Văn Chung, bản Nà Sành, xã Bó Mười chăm sóc đàn dê của gia đình.
Qua trò chuyện, chúng tôi biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Chung học hết THCS rồi nghỉ ở nhà để phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Năm 2009, Chung cùng một số bạn bè trong bản đi các xã vùng sâu, vùng xa buôn bán dê thịt. Từ những chuyến đi đó, Chung học hỏi, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm chăn nuôi dê của đồng bào các dân tộc vùng cao. Anh nhận thấy nuôi dê phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, bởi nguồn thức ăn khá đa dạng, với các loại cỏ voi, cỏ ruzi, các phụ phẩm nông nghiệp như thân cây chuối, ngô, sắn..., hơn nữa, nhu cầu thị trường về sản phẩm thịt dê cũng rất lớn. Đầu năm 2017, Chung quyết định đầu tư nuôi dê thương phẩm. Ban đầu, do nguồn vốn nhỏ, anh chỉ nuôi 8 con. Sau đó, vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng số tiền tiết kiệm của gia đình, mua 80 con dê, trọng lượng khoảng 10 kg/con về nuôi. Nhờ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn dê, sau hơn 3 tháng, anh Chung đã xuất chuồng gần 8 tạ dê thịt cho thị trường; trung bình mỗi năm xuất chuồng 3 lần, thu hơn 200 triệu đồng/năm. Ngoài chăn nuôi dê, anh Chung còn nuôi 7 con bò, chưa kể hơn trăm con gia cầm và 1.000 m2 ao thả cá; trồng, chăm sóc 5.000 m2 cà phê, 350 gốc xoài Đài Loan, nhãn, mận hậu các loại...
Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay phát triển chăn nuôi, cùng với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, chàng thanh niên 9X đã tự vượt lên gian khó, phát huy sức trẻ trong phát triển kinh tế gia đình.
A Mua (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!