Tại Lễ tôn vinh trí thức tiêu biểu, điển hình lao động sáng tạo năm 2018 của tỉnh, chúng tôi ấn tượng với ông Nguyễn Văn Khiêm, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Chiềng Ve Mộc Châu, vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Điều khiến chúng tôi khâm phục ở ông là sự cần mẫn, đam mê nghiên cứu khoa học, nhiệt huyết, sáng tạo và gắn bó, để cây chè ở Chiềng Ve phát triển.
Ông Nguyễn Văn Khiêm (thứ 2 từ bên trái sang) tham gia giao lưu
tại Lễ tôn vinh các trí thức, điển hình lao động sáng tạo.
Những ngày cuối năm, thời tiết Mộc Châu lạnh và sương mù khiến cho quãng đường gần 30 km từ trung tâm huyện vào trụ sở Công ty cổ phần Chè Chiềng Ve tại xã Chiềng Sơn như dài thêm. Sau gần 1 giờ đồng hồ đi xe máy, chúng tôi có mặt tại trụ sở Công ty, nụ cười hiền hậu và ánh mắt thân thiện, ông Nguyễn Văn Khiêm mời chúng tôi thưởng thức chén chè nóng, ngào ngạt hương thơm, ông vui vẻ: Đây là loại chè hảo hạng của Công ty, những búp chè tươi non được người dân trồng và chăm sóc tại chính cánh đồng chè ở xã Chiềng Sơn, được thu hái và chế biến ngay tại nhà máy. Đây cũng là sản phẩm chè được thị trường nước ngoài đón nhận và đánh giá cao về chất lượng.
Trải lòng, ông kể cho chúng tôi nghe những nốt thăng trầm của bản thân gắn với cây chè: Sinh ra và lớn lên ở Mộc Châu, mảnh đất cao nguyên trù phú có cây chè phát triển từ rất lâu, cũng chính vì lẽ đó, hình ảnh cây chè in sâu vào tâm trí ông. Năm 1979, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Khiêm khi đó 18 tuổi, đã xin vào làm ở Nhà máy chè Mộc Châu (nay là Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu), dần dần ông được chuyển lên làm ở Ban Kiến thiết, rồi làm quản đốc Nhà máy chè Mộc Châu. Đến năm 2003, ông chuyển về Công ty cổ phần Chiềng Ve, giữ cương vị Phó Giám đốc và sau đó là Giám đốc cho đến nay. Gần 40 năm gắn bó với cây chè, ông am hiểu từ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè cho đến việc thu hái, chế biến để có được sản phẩm chè chất lượng nhất. Năm 2018, ông được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng, đây là phần thưởng xứng đáng khi ông đã nghiên cứu thành công Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng, thâm canh, cải tạo và chế biến chè Shan tuyết tại Mộc Châu.
Nói về động lực để ông thực hiện Dự án khoa học, ông Khiêm chia sẻ: Cây chè Shan tuyết phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của cao nguyên Mộc Châu và có chất lượng tốt mà ít giống chè khác có được. Điều trăn trở là cây chè chưa được chú trọng do còn thiếu, còn yếu trong khâu canh tác, chọn giống, áp dụng các tiến bộ khoa học vào thâm canh, cải tạo đồng ruộng, công nghệ chế biến còn khá kiêm tốn. Chính vì thế, ông đã nghiên cứu việc đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng, thâm canh, cải tạo và chế biến chè Shan tuyết tại Mộc Châu để tăng giá trị sản phẩm chè, đem lại nguồn thu nhập ổn định từ cây chè, từng bước nâng cao đời sống của người làm chè.
Hiệu quả từ Dự án của ông đã được chứng minh qua thực tế, sản lượng búp chè tươi của công ty trước khi triển khai Dự án chỉ đạt 1.950 tấn/năm, nay sản lượng trung bình hiện đạt trên 3.300 tấn/năm; thu nhập trên 1 ha diện tích đất canh tác cũng tăng gấp đôi so với trước đây. Dự án đã thu hút đông đảo người lao động tham gia, tận dụng các phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, như: Chất thải trâu, bò, trấu, mùn ngô,... vào sản xuất nhằm hạ giá thành; cải tiến công nghệ chế biến, tiết kiệm được chi phí than, củi, điện vào sản xuất. Dự án thành công đã thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân vùng Dự án. Tạo động lực cho người dân chăm sóc chè tốt hơn, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hạn chế xói mòn, tạo môi trường cảnh quan xanh sạch đẹp, gắn phát triển chè với du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường; từng bước hình thành vùng sản xuất chè tập trung, phát triển vùng chè chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa đặc sản, thúc đẩy các mô hình VAC phát triển bền vững.
Thăm quan Nhà máy chế biến chè, chúng tôi tiếp tục được ông giới thiệu về những thiết bị hiện đại, như: Cân điện tử trọng tải lớn, hộc làm héo bảo quản nguyên liệu, máy lăn chè công nghệ tiên tiến, xe vận tải nguyên liệu và máy điện công suất 300 KVA, Công ty đang từng bước hướng tới dây chuyền chế biến hoàn chỉnh, chủ động về mọi mặt. Nhìn đồng chè bát ngát, xanh mướt phủ kín núi đồi, ông nói: Muốn chất lượng chè đảm bảo, phải quản lý, giám sát chặt chẽ quy trình trồng và chế biến chè; quy hoạch và hình thành vùng nguyên liệu chè ổn định, đảm bảo nguồn chè chất lượng phục vụ cho hoạt động sản xuất của nhà máy. Năm 2018, sản lượng chè đạt trên 3.300 tấn, doanh thu của Công ty đạt 59 tỷ đồng; mừng nhất là 95% sản lượng chè sản xuất ra đến đâu được xuất khẩu ngay đến đó.
Chia tay ông, thủ lĩnh của những người trồng chè Công ty cổ phần Chè Chiềng Ve, in đậm trong chúng tôi là hình ảnh về một tấm gương sáng trong lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Với ông, còn sức khỏe là sẽ còn lao động, cống hiến. Câu chuyện của ông sẽ làm tăng thêm nhiệt huyết, say mê lao động trong thế hệ thanh niên hôm nay.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!