“Người mẹ” thứ hai của trẻ vùng biên

Trong chuyến công tác đến xã vùng biên Lóng Sập (Mộc Châu) cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi tình cờ nghe được câu chuyện về cô giáo Phan Thị Hằng, Trường Tiểu học Lóng Sập, 17 năm gắn bó với mảnh đất vùng biên. Với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, ngoài việc dạy chữ, thắp sáng những ước mơ tương lai của các em học sinh, cô còn nhận nuôi hai em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn và trở thành người mẹ thứ hai của các em.

 Cô Hằng ôn bài cùng các em học sinh Trường Tiểu học Lóng Sập (Mộc Châu).

17 năm gieo chữ vùng biên

Để được gặp, lắng nghe và chia sẽ những câu chuyện về người mẹ đặc biệt này, chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học Lóng Sập đúng vào lúc các em học sinh đang trong giờ ra chơi. Những tiếng cười đùa hồn nhiên của các em nhỏ vang cả một góc sân trường làm chúng tôi bỗng cảm thấy bồi hồi nhớ về quãng thời gian cắp sách đến trường trước đây. Tiếp đón chúng tôi tại phòng làm việc, sau cái bắt tay thật chặt, cô Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lóng Sập tâm sự: “Gieo con chữ” ở mảnh đất này còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, tình cảm thầy trò luôn được đong đầy, các em học sinh rất ngoan và hiếu học. Trong câu chuyện, tôi ngỏ ý muốn được gặp cô giáo Phan Thị Hằng, cô Huệ đã đưa chúng tôi xuống lớp 1A - lớp cô giáo Hằng làm chủ nhiệm. Vừa bước chân đến cửa lớp, hình ảnh để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng đó là cô giáo Hằng đang cẩn thận sắp xếp lại bàn ghế trong lớp và sách vở, đồ dùng học tập của các em học sinh cho ngay ngắn, giúp các em thuận tiện trong giờ học.

Dáng người thanh mảnh, nước da nâu rắn rỏi. Kể về những kỷ niệm của nghề, cô giáo Hằng tâm sự: Năm 2001 tốt nghiệp trường Cao đẳng Sơn La, tôi được phân công về nhận nhiệm vụ tại Trường Tiểu học Chiềng Khừa và đảm nhiệm giảng dạy tại các điểm trường Căng Tị, Sa Lú và Ông Lý, trong đó, tôi có 3 năm cắm bản ở điểm trường Căng Tị. Ngày đó, đường vào xã Chiềng Khừa rất khó đi, tôi cùng đồng nghiệp thường ở lại điểm trường cả tuần chỉ về nhà vào buổi chiều thứ 6, chiều chủ nhật lại hành quân trở lại trường. Những ngày “cắm bản” điều kiện ăn ở của giáo viên rất thiếu thốn, nhưng tình cảm của người dân dành cho chúng tôi thật ấm áp...

Những năm làm giáo viên cắm bản ở điểm trường Căng Tị, có lần tôi cùng đồng nghiệp phải mất 8h đồng hồ đi bộ men theo đường Suối Sập mới đến được với các em học sinh. Lần đó đi vào mùa mưa nước dâng cao nên đất bên bờ suối rất nhão và trơn trượt, đi qua cánh rừng rậm rạp ở bản A Má (Lóng Sập) có rất nhiều con vắt bám vào người cắn hút máu nhưng vì đàn em thân yêu, mọi khó khăn chúng tôi đều vượt qua. Tiếng trống trường báo hiệu tiết học mới bắt đầu, câu chuyện của chúng tôi phải ngắt quãng vì cô giáo Hằng phải trở vào lớp để tiếp tục giảng bài cho học sinh. Quan sát lớp học chúng tôi nhận thấy, đa phần học sinh trong lớp là người dân tộc Mông, nhiều em còn chưa thạo tiếng phổ thông, song đó không trở thành rào cản, các em vẫn đang nỗ lực học tập, say sưa đánh vần. Trong tiết học, thi thoảng tôi lại nghe thấy cô Hằng nói tiếng Mông hướng dẫn học sinh những từ khó hiểu, bầu không khí trong lớp học thật thân mật, gần gũi và vui vẻ.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, gặp lại cô giáo Hằng để tiếp tục câu chuyện còn dang dở, giải đáp cho những thắc mắc của chúng tôi về những câu nói bằng tiếng Mông ở trên lớp, cô Hằng nói: 17 năm đứng trên bục giảng, hầu hết học trò của tôi đều là các em nhỏ người dân tộc Mông. Do đó, ngay từ khi mới vào nghề, tôi đã tự học tiếng dân tộc Mông thông qua tiếp xúc nhiều với người dân nơi đây. Giờ đây, việc giao tiếp với học sinh dân tộc Mông trên lớp đã dễ dàng hơn rất nhiều.

Trở thành “người mẹ” thứ hai

Năm 2008, cô Hằng chuyển về Trường Tiểu học Lóng Sập công tác và chỉ vài tháng sau khi về nhận công tác tại xã Lóng Sập, cô Hằng trở thành người mẹ thứ hai của em Tráng Phạm Đăng Hưng. Đến giữa năm 2018, cô lại nhận nuôi thêm em Hạng A Chờ. Nói về việc nhận nuôi hai em này, cô Hằng bộc bạch: Tôi nhận nuôi và trở thành mẹ của hai cháu cũng là “cái duyên” với các con. Là một người mẹ, khi nhìn những đứa trẻ không có người chăm sóc, không có ai bên cạnh tôi không cầm được lòng. Ban đầu đưa Hưng về sống cùng gia đình, tôi cũng gặp khó khăn, vì khi ấy con chưa quen với nếp sinh hoạt của gia đình tôi. Con cũng chưa thông thạo tiếng phổ thông, nên việc giao tiếp của hai mẹ con có một chút hạn chế. Nhưng bù lại, con rất ngoan và nghe lời.

Qua trò chuyện với cô giáo Hằng chúng tôi được biết, hoàn cảnh của cả hai em khá đặc biệt, trước khi đến với người mẹ thứ hai, bố mẹ của hai em đang trong thời gian thực hiện mức án tù giam, nên các em đều phải ở nhờ họ hàng. Đối với Hưng, sống cùng họ hàng, nhưng là hộ nghèo, nên họ không nuôi được em,  Hưng rời đi và sống ở trong rừng tre đầu bản. Khi ấy cô giáo Hằng đã bàn với đồng nghiệp về việc nhận nuôi em Hưng, đưa về sống cùng gia đình và cho em đi học. Khoảng cuối năm 2009, ông ngoại em đến xin em về nuôi, cô đành để em về ở với ông ngoại. Nhưng như một cơ duyên, vào khoảng tháng 11/2015, hai mẹ con gặp lại nhau và lần này sau khi nghe được câu chuyện của Hưng bị ông ngoại bán sang Lào và phải làm con nuôi cho một gia đình. Những ngày đầu, em chỉ ở nhà, làm việc nhà và không được đi học nhưng khi đã lớn hơn một chút, em đã tìm được đường quay lại biên giới, ngày nào cũng lang thang ở khu vực giáp ranh của hai nước cho đến ngày gặp lại mẹ Hằng. Sau khi nghe câu chuyện từ con, cô Hằng đã quyết tâm làm thủ tục nhận em làm con nuôi với tên khai sinh là Tráng Phạm Đăng Hưng.

“Mẹ Hằng ơi!” - tiếng gọi mẹ của một bé trai chạy lại ôm lấy cô Hằng rất thân thiết. Cô giáo Hằng giới thiệu: Đây là A Chờ, con trai tôi đấy. Nhìn hai mẹ con, chúng tôi nhận thấy, A Chờ rất “bện” mẹ, còn mẹ Hằng dành nhiều tình cảm cho cậu con trai nhỏ này. Chị Hằng kể: Hưng hiện đang sống cùng gia đình tôi ở xã Chiềng Sơn, còn A Chờ, tôi để con ở bán trú để tiện cho việc kèm con học hơn vì sức học của con so với các bạn có phần hơi đuối. Ngoài ra, tôi cũng muốn con hòa đồng với bạn bè ở trường, lớp nhiều hơn.

Ghi nhận tấm lòng của một nhà giáo tận tụy, một người mẹ hiền, năm 2017, cô giáo Hằng là một trong bảy nhà giáo được UBND huyện Mộc Châu vinh danh trong cuộc gặp mặt vinh danh, biểu dương các tập thể cá nhân tiêu biểu. Nhưng với cô Hằng được chứng kiến sự trưởng thành của các em học sinh và những tiếng gọi mẹ thân thiết, yêu thương là phần thưởng lớn nhất của người gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở vùng biên giới còn nhiều khó khăn.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới