Thành lập các nhóm cùng sở thích chăn nuôi để thực hiện nuôi nhốt, chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đó là những chuyển biến tích cực trong chăn nuôi trên địa bàn xã Chiềng Chung và Chiềng Lương (Mai Sơn), khi Dự án “Can thiệp dựa vào chăn nuôi hướng tới sinh kế bình đẳng và cải thiện môi trường ở vùng cao Tây Bắc Việt Nam”, gọi tắt là Dự án Li Chăn được triển khai trên địa bàn.
Dự án do Nhóm tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) tài trợ, Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) phối hợp thực hiện trong 2 năm 2020-2021 tại bản Khoa, Xam Ta (Chiềng Chung) và các bản: Mờn 1, Mờn 2, Oi, Buôm Khoang (Chiềng Lương). Dự án, gồm 5 hợp phần: Di truyền; sức khỏe vật nuôi, thức ăn và cỏ chăn nuôi; sinh kế; môi trường.
Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng của anh Hà Văn Kim, Nhóm cùng sở thích chăn nuôi trâu bò Tiên Tiến, bản Khoa, xã Chiềng Chung (Mai Sơn).
Từ cuối năm 2020 đến nay, Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến cho trên 500 lượt nhân viên thú y xã, bản, hộ gia đình về các bệnh thường gặp ở vật nuôi, cách sử dụng vắc xin, kháng sinh, xử lý ổ dịch động vật; cách sử dụng và bảo quản thức ăn chăn nuôi cho trâu, bò và lợn; kỹ thuật trồng cỏ trên đất dốc; khai thác tinh, đánh giá chất lượng và kỹ thuật thụ tinh nhân tạo đối với gia súc. Đồng thời, Dự án đã tiến hành khảo sát, điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất chăn nuôi và tác động của chăn nuôi tới môi trường, tác động của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất; triển khai những phương án cải thiện giống cỏ, thức ăn chăn nuôi; tăng cường khả năng tiếp cận giống cỏ và các vật tư trồng trọt, sử dụng, bảo quản thức ăn cho trâu, bò, xử lý chất thải chăn nuôi...
Các hộ dân đã liên kết thành lập 5 nhóm cùng sở thích chăn nuôi tại các xã thực hiện Dự án. Qua đó, các hộ chăn nuôi dần thay đổi nhận thức về công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, sử dụng hóa chất, vắc xin và các biện pháp thường quy trong chăn nuôi. Chuyển đổi từ hình thức bán chăn thả tự nhiên và chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi nhốt chuồng, thực hiện trồng cỏ, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để ủ men ure, ủ lên men thức ăn chăn nuôi, quản lý dịch bệnh hiệu quả, biết áp dụng phối giống nhân tạo, xử lý phân chuồng để tận dụng trồng trọt, đảm bảo vệ sinh, môi trường...
Anh Hà Văn Kim, Trưởng nhóm cùng sở thích chăn nuôi trâu bò Tiên Tiến, bản Khoa, xã Chiềng Chung, chia sẻ: Nhóm có 11 hộ thành viên, đã ban hành quy chế hoạt động cụ thể, bầu ra Trưởng nhóm, phó nhóm và thủ quỹ đảm bảo thu, chi minh bạch. Nhóm xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh chi tiết, duy trì chăn nuôi hiện có và dự kiến vay vốn ngân hàng khoảng 400 triệu đồng đầu tư, sửa chữa chuồng trại, mua thêm 11 con bò giống để mở rộng quy mô chăn nuôi. Các thành viên nhóm đầu tư vốn cùng sản xuất tập trung, hỗ trợ giúp đỡ nhau kỹ thuật sẽ tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm của các hộ thành viên nhóm.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, Dự án đã giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số địa phương thay đổi tập quán chăn thả sang nuôi nhốt, hướng dẫn bà con tự làm hoạch định sản xuất, thương mại hóa sản phẩm chăn nuôi nông hộ, từng bước chuyển đổi sản xuất hàng hóa tập trung. Tuy nhiên, để bà con đồng bào thiểu số tiếp tục phát huy, biến những chương trình, kế hoạch giấy thành sự thật còn gặp khó khăn lớn về vốn sản xuất, rất cần sự quan tâm đồng hành hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng CSXH và các ngân hàng thương mại khác, sự theo dõi, đốc thúc hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan chức năng để hoàn thiện quy trình sản xuất, phòng, chống dịch bệnh động vật hiệu quả.
Ông Lò Văn Mạc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Chung, đánh giá: Với hình thức hỗ trợ, can thiệp kỹ thuật, định hướng giúp các hộ chuyển đổi sản xuất phù hợp, bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của bà con, đây sẽ là những mô hình trình diễn để xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng. Hy vọng Dự án tiếp tục có những hỗ trợ về vốn cho các nhóm cùng sở thích hoạt động sản xuất, mở rộng kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!