Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban quản lý đường Hồ Chí Minh có biện pháp xử lý bổ sung các đường gom từ ÐT 601 xuyên qua cao tốc La Sơn-Túy Loan để nhân dân có đường vào rừng, nương rẫy để trồng trọt, sản xuất. Đó là một trong số các ý kiến của cử tri phản ánh với Báo Nhân Dân.
Chậm tiến độ thi công sẽ lãng phí lớn tiền ngân sách
Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã nhìn nhận thực trạng không ít dự án giao thông trọng điểm trên cả nước chậm tiến độ, gây lãng phí ngân sách. Trung ương đã đưa ra không ít giải pháp khắc phục nhưng chưa có hiệu quả rõ nét. Vì vậy, tôi thấy giải pháp kiểm tra, giám sát các dự án trọng điểm được Bộ trưởng Giao thông vận tải trình bày là khả thi; trong đó, phải kiểm tra từ khâu lập chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, đưa ra nhiều phương án để so sánh, lựa chọn...
Tôi được biết Thủ tướng đã giao các bộ, ngành nghiên cứu lập Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng; trong đó, có vốn Nhà nước, vốn huy động ngoài ngân sách. Chủ trương này nếu được chấp thuận sẽ có thêm nguồn tiền đầu tư ổn định tiếp sức nền kinh tế, triển khai nhanh hơn các dự án giao thông trọng điểm, từ đó hạn chế tình trạng dự án phê duyệt chủ trương nhưng cứ phải chờ tiền, thi công “giật gấu vá vai”...
Cử tri LÊ DUY HOÀNG
(Xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh)
Kết nối giao thông vùng còn hạn chế
Nhiều năm qua, hệ thống giao thông kết nối chưa theo kịp sự phát triển, nếu không muốn nói đang là lực cản đối với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Thực tế, nhiều tuyến quốc lộ đi qua tỉnh Ðồng Nai cũng như một số tỉnh, thành phố trong vùng đang bị quá tải trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian, chi phí vận tải của người dân, doanh nghiệp, khi địa bàn này tập trung rất nhiều khu công nghiệp quy mô lớn. Tôi nghĩ, để tháo điểm “nghẽn” về hệ thống giao thông, thời gian tới, rất cần sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa, nhất là các công trình mang tính kết nối vùng. Qua đó, góp phần tạo động lực quan trọng để vùng kinh tế trọng điểm phía nam tiếp tục phát huy là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Cử tri VŨ THANH LONG
(Khu phố Ðồng Nai, phường Hóa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai)
Sớm đầu tư đường đấu nối dân sinh trên tuyến La Sơn-Túy Loan
Ðường cao tốc La Sơn-Túy Loan qua địa phận xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, thành phố Ðà Nẵng) dài khoảng 25km, tuy nhiên không có đường đấu nối lên tuyến. Tháng 4/2022 dự án đường cao tốc La Sơn-Túy Loan đã được đưa vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay phía ta-luy dương của tuyến đường, đoạn qua xã Hòa Bắc, một số điểm chưa có đường gom khớp nối lên các khu rừng sản xuất của người dân; một số điểm có đường chui qua cao tốc nhưng khẩu độ nhỏ, thấp, gây khó cho việc vận chuyển lâm sản và đi lại của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí. Ðặc biệt, nếu không may xảy ra cháy rừng tại các khu vực này thì phương tiện phòng cháy, chữa cháy không thể tiếp cận được. Nhân dân, cử tri rất lo lắng, bức xúc.
Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban quản lý đường Hồ Chí Minh có biện pháp xử lý bổ sung các đường gom từ ÐT 601 xuyên qua cao tốc La Sơn-Túy Loan để nhân dân có đường vào rừng, nương rẫy để trồng trọt, sản xuất.
Cử tri ÐINH VĂN CƯ
(Thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Ðà Nẵng)
Chủ động nguồn nguyên liệu làm đường cao tốc
Cử tri lo lắng các dự án đường cao tốc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Cần Thơ-Cà Mau. Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng sẽ khó hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch. Nguyên nhân là do vùng đồng bằng sông Cửu Long thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ xây dựng các tuyến cao tốc này, nhất là cần hàng triệu mét khối cát đắp nền. Bộ Giao thông vận tải dự kiến khai thác cát ở tỉnh đầu nguồn An Giang, Ðồng Tháp để đắp nền cao tốc và nghiên cứu sử dụng cát biển xây dựng cao tốc để bảo đảm tiến độ.
Tuy nhiên, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, làm sạt lở, sụt lún đất, gây thiệt hại lớn, một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do tình trạng khai thác cát. Vì vậy, để bảo đảm vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, cử tri mong muốn Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cần thận trọng khi khai thác cát ở đầu nguồn các con sông để xây dụng cao tốc, vì sự phát triển bền vững của khu vực này; nghiên cứu tìm nguồn vật liệu thay thế cát trong xây dựng cao tốc để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Cử tri Hà Văn Tiến
(Khu vực 3, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
Xử lý các nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực thi công
Theo dõi nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông vận tải về tiến độ thi công cao tốc bắc-nam phía đông, tôi thấy nếu vẫn để tình trạng thiếu đất đắp nền thì rất khó hoàn thành dự án đúng tiến độ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này nhưng có một nguyên nhân quan trọng là ngay trong quá trình lập dự án, việc khảo sát của các đơn vị tư vấn thiết kế đã không được kỹ và không sát thực tế ở từng khu vực có cao tốc đi qua, cho nên đến khi triển khai thì xảy ra tình trạng thiếu đất đắp.
Tôi đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các ban quản lý dự án quyết liệt hơn trong việc chấn chỉnh và xử lý nhà thầu yếu kém, chậm tiến độ, thay thế nhà thầu yếu kém, xử lý điều chuyển toàn bộ khối lượng thi công cho các nhà thầu có năng lực.
Cử tri TRẦN TOẢN
(Khu phố 3, phường Xuân An, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận)
Quy trách nhiệm khi để xảy ra chậm tiến độ dự án
Những năm qua, hạ tầng giao thông của nước ta đã được đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tôi thấy các dự án giao thông trọng điểm hiện nay triển khai quá chậm. Có những dự án kéo dài cả chục năm, đội vốn lớn, lúc thì do thiếu vốn, lúc thì chậm giải phóng mặt bằng, hoặc vướng mắc về thủ tục, nhưng cuối cùng vẫn “giẫm chân tại chỗ” mà không rõ trách nhiệm của ai.
Bộ Giao thông vận tải cần vào cuộc quyết liệt hơn, cùng các tỉnh, thành phố tháo gỡ vướng mắc từ nguồn vốn đến cơ chế, thủ tục; đồng thời quy trách nhiệm cá nhân cụ thể, tránh tình trạng dự án vẫn chậm, gây lãng phí lớn, nhưng lại chỉ quy trách nhiệm một cách chung chung.
Cử tri Lâm Trọng Nghĩa
(Phường Mai Ðộng, quận Hoàng Mai, Hà Nội)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!