Sớm đưa cơ chế, chính sách đặc thù vào cuộc sống

Cử tri thành phố Cần Thơ rất quan tâm kỳ họp bất thường lần thứ nhất, trong đó có việc Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ trong thời gian tới.

Một con đường tại Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Ðể Nghị quyết này phát huy hiệu quả khi được Quốc hội thông qua, ngoài sự chủ động của thành phố, Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan có chương trình, dự án, kế hoạch cụ thể, khả thi, nhất là rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục, để cơ chế, chính sách đặc thù phát huy hiệu quả sớm nhất, nhanh nhất, vì thời gian thí điểm chỉ có 5 năm. Thực tế trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thành phố mất rất nhiều thời gian hoàn tất các cơ chế, chính sách, dự án đầu tư… cho nên kết quả thực hiện Nghị quyết chưa được như mong muốn. Vì thế, mặc dù là cơ chế thí điểm nhưng Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm, tạo điều kiện để thành phố Cần Thơ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của vùng và của đất nước.

Cử tri Lê Văn Thanh

(Khu vực 2, phường An Khánh, quận Ninh Kiều,thành phố Cần Thơ)

Hỗ trợ kinh tế gia đình vượt qua khó khăn

Hiện nay, người dân có đất ở vùng ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh (Hóc Môn, Củ Chi…) gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình. Thực tế này đòi hỏi cần có những chính sách mới về quy hoạch đất đai, thông thoáng và linh hoạt hơn trong việc cho phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên các loại đất nông nghiệp. Còn về vốn, nên tạo điều kiện cho các đối tượng cần vốn, nhất là hộ kinh doanh nhỏ, người dân làm kinh tế hộ gia đình, được dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, Quốc hội nên có chính sách giảm, miễn thuế, hỗ trợ phù hợp từng đối tượng, loại hình sản xuất, kinh doanh.

Cử tri DƯƠNG VÕ NHỊ ANH

(100/6/22D ấp 3, xã Ðông Thạnh, huyện Hóc Môn,TP Hồ Chí Minh)

Tiếp tục đổi mới môi trường kinh doanh

Năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nước ta, nhất là các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Long An. Ðể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, giúp nền kinh tế đất nước lấy lại đà tăng trưởng, rất cần có sự điều chỉnh, thay đổi kịp thời các chính sách và các bộ luật liên quan. Lúc này, Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất có đầy đủ quyền lực để nhanh chóng đưa ra các quyết sách, cũng như điều chỉnh những điểm còn chưa phù hợp các luật hoặc làm chậm quá trình thực thi.

Dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi thấy đây là một quyết sách rất kịp thời của Quốc hội trong tình hình tổng cầu nền kinh tế đang suy giảm như hiện nay và các doanh nghiệp đang suy kiệt nguồn lực. Tôi kỳ vọng vào các chính sách "cởi trói" cho hoạt động đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng. Bởi lẽ, cải tạo và nâng cấp kết cấu hạ tầng sẽ làm tiền đề giải thoát nút thắt tắc nghẽn giao thông trên địa bàn miền Ðông Nam Bộ, vốn lâu nay bị ảnh hưởng trầm trọng, làm chậm chuỗi cung ứng liên vùng, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Về lâu dài, doanh nghiệp mong chờ sự cải cách quyết liệt hơn nữa về môi trường kinh doanh, gỡ bỏ những rào cản, tạo điều kiện khơi thông hết các nguồn lực, bằng đột phá trong cơ chế, chính sách.

Cử tri NGUYỄN DUY HƯNG

Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát, tỉnh Ðồng Nai

Xây dựng cao tốc bắc-nam phía đông cần tránh chồng chéo, lãng phí, tiêu cực

Hiện nay, nhu cầu vận chuyển bằng đường bộ qua các địa phương miền trung đang tăng lên rất nhanh, trong khi quốc lộ 1A hiện đã bắt đầu quá tải, tốc độ lưu thông chậm do phần lớn tuyến đường đi qua các khu vực đông dân cư, nhiều đường ngang, nhiều loại phương tiện cùng lưu thông. Vì vậy, việc triển khai xây dựng cao tốc bắc-nam phía đông là cần thiết và quan trọng. Theo tôi, Quốc hội, Chính phủ cần triển khai ngay dự án này để phục vụ việc phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực miền trung và cả nước. Tuy nhiên, Ðảng, Nhà nước cần có cơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, đồng thời hạn chế tiêu cực, tham nhũng như đã xảy ra tại dự án đường cao tốc Ðà Nẵng-Quảng Ngãi.

Người dân miền trung rất phấn khởi khi Quốc hội, Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía đông, vì đây sẽ là đòn bẩy quan trọng cho các địa phương, nhất là ở miền trung, lâu nay chỉ dựa chủ yếu vào tuyến quốc lộ 1A. Việc xây dựng đường cao tốc bắc-nam phía đông cần bảo đảm tiết kiệm, chất lượng tốt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vừa sử dụng đã xuống cấp nhưng không có đơn vị nào chịu trách nhiệm.

Cử tri Trương Sỹ Linh

(37 Ðỗ Xuân Cát, phường Thuận Phước, Hải Châu, Ðà Nẵng)

Rà soát kỹ khi chuyển đổi diện tích rừng

Tôi hoàn toàn nhất trí với đề nghị của Chính phủ đầu tư dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông. Tuy nhiên, vấn đề mà tôi cũng như rất nhiều cử tri quan tâm là để thực hiện dự án phải chuyển đổi hơn 200 ha rừng phòng hộ và các loại rừng khác mà dự án đi qua, trong khi đó Việt Nam ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và sự thay đổi bất thường của thời tiết, nhất là các tỉnh miền trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng khi chuyển đổi diện tích rừng để đầu tư thực hiện Dự án bảo đảm lợi ích hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi sinh, môi trường sống cho người dân, không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi, hy sinh về môi trường.

Cử tri Nguyễn Ngọc Nguyên

(Phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðắk Lắk)

Rút gọn thời gian, không "rút gọn" trách nhiệm

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, trong khi đó, chúng ta vừa thực hiện phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế theo hướng linh hoạt. Ðiều này khiến nhiều vấn đề kinh tế-xã hội đặt ra một cách cấp bách, nhất là vấn đề đẩy mạnh đầu tư, chính sách hỗ trợ để khôi phục kinh tế. Do đó, việc Quốc hội dự kiến thông qua một dự án luật (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðầu tư công, Luật Ðầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Ðầu tư, Luật Ðấu thầu, Luật Ðiện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự) và ba dự thảo nghị quyết theo quy trình rút gọn ngay trong một kỳ họp là cần thiết, để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Việc rút ngắn thời gian thông qua cũng khiến các đại biểu có quỹ thời gian hạn hẹp hơn trong nghiên cứu dự thảo các văn bản. Tôi mong rằng, thời gian càng bị rút ngắn, các đại biểu càng phải phát huy cao độ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước đất nước, nghiên cứu, xem xét kỹ càng và đưa ra những ý kiến xác đáng để hoàn thiện và thông qua những điều sửa đổi trong dự án luật; những vấn đề đưa ra trong các nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Bởi Nghị quyết này có vai trò quyết định đến sự phục hồi kinh tế của nước ta trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, sau khi dự án luật và các Nghị quyết được thông qua, các đại biểu tiếp tục phát huy vai trò giám sát thực hiện, để bảo đảm việc thực thi, tránh những sai sót trong quá trình triển khai.

Cử tri Trương Quỳnh Anh

(Phố Khâm Thiên, quận Ðống Ða, Hà Nội)

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới