Quốc hội thông qua Luật tạm giữ, tạm giam và Luật trưng cầu ý dân

Chiều 25/11, Quốc hội làm việc tại hội trường. Với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật tạm giữ, tạm giam và Luật trưng cầu ý dân.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua luật.

 

Luật tạm giữ, tạm giam điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quản lý tạm giữ, tạm giam; bảo đảm quyền con người trong tạm giữ, tạm giam; thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam...

 

Trong đó, đáng chú ý, Luật tạm giữ, tạm giam đã bổ sung các quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam so với quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quyền: Được bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, chăm sóc sức khỏe, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ… Đồng thời, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có nghĩa vụ chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành giam giữ; chấp hành quy định của Luật này và nội quy của cơ sở giam giữ.

 

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng tách các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an để tổ chức độc lập với cơ quan điều tra và giao cho một Phó Tổng cục trưởng không phải là thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách. Quy định này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, khám phá tội phạm, nhất là những tội phạm về an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, vừa đảm bảo độc lập của cơ sở giam giữ với các đơn vị điều tra của Bộ. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về công tác tạm giữ, tạm giam.

 

Cùng với đó, công tác tạm giữ, tạm giam bên cạnh việc bảo đảm quyền con người theo quy định của Hiến pháp 2013 thì còn phải phúc đáp yêu cầu phục vụ tốt cho quá trình điều tra khám phá tội phạm, do đó giữ mô hình quản lý như nói trên là phù hợp. Về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, tiếp thu ý kiến đại biểu, các quyền về yêu cầu được trả tự do sau khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam; quyền về được bỏ phiếu khi có trưng cầu dân ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được bổ sung. 

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 11 chương, 73 điều, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Luật trưng cầu ý dân quy định trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước. Ngày bỏ phiếu là ngày Chủ nhật, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân. Việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân bắt đầu từ 7h-19h cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ trưng cầu ý dân có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21h cùng ngày. Trường hợp ở khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân đã có 100% cử tri trong danh sách thực hiện việc bỏ phiếu thì việc bỏ phiếu ở khu vực bỏ phiếu đó có thể kết thúc sớm nhưng không được trước 15h cùng ngày. Luật cũng quy định không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố. Không tổ chức trưng cầu ý dân trong thời gian ban bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước.

 

Liên quan danh sách cử tri và khu vực bỏ phiếu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong điều kiện hiện nay, công dân Việt Nam ở nước ngoài có địa bàn cư trú rải rác ở nhiều quốc gia khác nhau, việc đi lại, liên hệ với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng còn xa xôi, gặp nhiều khó khăn; điều kiện kỹ thuật của chúng ta chưa bảo đảm để tiến hành tổ chức cho công dân Việt Nam ở nước ngoài bỏ phiếu trưng cầu ý dân nên không quy định tổ chức.

 

Trường hợp cử tri là công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong thời gian Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân cho đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ thì vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri, nhận thẻ cử tri để thực hiện quyền biểu quyết trưng cầu ý dân. Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu.

 

Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành; đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này phải được 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành. Sau khi nhận và kiểm tra báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của UBND cấp tỉnh và giải quyết những khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xác định kết quả trưng cầu ý dân trong cả nước và phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về kết quả trưng cầu ý dân tại kỳ họp gần nhất để Quốc hội quyết định các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện kết quả trưng cầu ý dân.

 

Về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân, Luật thể hiện rõ: Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân. 

Luật trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 điều và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.

 

Theo chương trình, sáng mai (26/11), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; thông qua Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; thảo luận về Dự án Luật báo chí (sửa đổi)./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới