Với 92,75% đại biểu Quốc hội tán thành, chiều 18/6 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật. (Ảnh: quochoi.vn) |
Theo đó, phương thức đối tác công tư (PPP) là một trong những hình thức đầu tư đã được thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là các dự án BOT trong xây dựng hạ tầng giao thông, nhưng lần đầu tiên một dự luật được đệ trình lên Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, dự án luật này nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.
Về hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP, Luật quy định bao gồm: Tờ trình đề nghị quyết định chủ trương đầu tư; Dự thảo quyết định chủ trương đầu tư; Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Báo cáo thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; báo cáo thẩm tra đối với dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; Tài liệu pháp lý khác có liên quan của dự án.
Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, Luật quy định, Chủ trương đầu tư dự án PPP được điều chỉnh khi thay đổi mục tiêu, địa điểm, quy mô, loại hợp đồng dự án PPP, tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên hoặc tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP trong các trường hợp sau đây: Dự án bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bất khả kháng; Quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi; Khi điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.
Cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP là cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trình tự trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Luật này đối với nội dung điều chỉnh.
Về thẩm quyền phê duyệt dự án PPP, Luật quy định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án. Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác phê duyệt dự án thuộc phạm vi quản lý. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt dự án thuộc phạm vi quản lý.
Về xử lý vi phạm trong đầu tư theo phương thức PPP, Luật quy định cấm tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Hủy thầu, đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, bên mời thầu khi phát hiện có hành vi vi phạm quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Chấm dứt, đình chỉ hợp đồng khi phát hiện có hành vi vi phạm hợp đồng hoặc quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Ngoài các hình thức xử lý vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!