Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 199/NQ-HĐND Sơn La, ngày 30 tháng 6 năm 2020 về việc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến HĐND tỉnh trước Kỳ họp thứ 13; việc thực hiện kết luận của Chủ tọa kỳ họp về phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh khóa XIV. Các kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh phân công cho từng cơ quan, đơn vị có liên quan để nghiên cứu, xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, có một số kiến nghị không có cơ sở để giải quyết, Báo Sơn La thông tin để cử tri theo dõi, gồm các nội dung sau:
Cử tri kiến nghị: Nghiên cứu ban hành cơ chế luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục công lập từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn và ngược lại, vì trên thực tế huyện Mường La có 13/16 xã thị trấn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, có nhiều trường hợp giáo viên đã công tác tại các xã vùng khó khăn trên 10 năm nhưng chưa được luân chuyển về vùng thuận lợi.
UBND tỉnh trả lời: Ngày 22/12/2015, Bộ Nội vụ đã có văn bản số 6061/BNV-PC trả lời chưa có căn cứ pháp lý để ban hành quy định về luân chuyển giáo viên trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào các quy định của pháp luật và điều kiện thực tiễn của địa phương, UBND cấp huyện chủ động sắp xếp, bố trí công tác cho giáo viên giữa các vùng (vùng I, II, III), điều chuyển giáo viên từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn về vùng thuận lợi và ngược lại để đảm bảo quyền lợi, chế độ, chính sách cho giáo viên.
Cử tri kiến nghị: Đề nghị sớm trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 1, Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 của HĐND tỉnh theo hướng bổ sung lực lượng dân quân cơ động và tại chỗ cũng là đối tượng được hưởng các chế độ, chính sách như đối với Dân quân phòng không, pháo binh, công binh, trinh sát, thông tin, phòng hóa, y tế, vì tại khoản 1, 2, Điều 47, Luật Dân quân Tự vệ quy định về chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ.
UBND tỉnh trả lời: Không trình sửa đổi vì hiện nay Luật Dân quân tự vệ số 48/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Căn cứ các Văn bản hướng dẫn Luật Dân quân tự vệ của Trung ương ban hành và thực tiễn địa phương, UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 11/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Cử tri kiến nghị: Phối hợp với các cơ quan tư pháp (Tòa án, Cục Thi hành án) rà soát kết quả thi hành án, trường hợp không thể thu hồi các khoản công nợ hoặc không thể thực hiện phương án tài chính thì sớm ban hành quyết định dừng thi hành án, tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế đề nghị xóa nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế
UBND tỉnh trả lời: Theo quy định của Luật Quản lý Thuế, sau khi Tòa án tuyên bố phá sản đối với các Công ty đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tiền, tài sản để nộp tiền thuế. Cơ quan Thuế sẽ căn cứ vào Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản kèm theo phương án phân chia tài sản, Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án, trình cấp có thẩm quyền để xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các Công ty bị tuyên bố phá sản.
Cử tri kiến nghị: Khi trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh về ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017-2020, cần xem xét sửa đổi một số nội dung sau: (1) Quy định rõ định mức chi thường xuyên cho cán bộ công chức cấp xã theo biên chế được giao. Vì định mức quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND quá thấp (mỗi xã, phường, thị trấn được phân bổ 200 triệu đồng/xã/năm, nếu xã có 25 biên chế, bình quân chỉ được 8 triệu đồng/biên chế/năm), trong khi đó: Cán bộ, công chức cấp tỉnh được hưởng từ 29 đến 55 triệu đồng/biên chế/năm; cán bộ, công chức cấp huyện được hưởng từ 22 đến 26 triệu đồng/biên chế/năm. Cán bộ, công chức cấp xã chỉ được phân bổ 200 triệu/xã/năm. (2) Quy định định mức chi an ninh - quốc phòng đối với những xã có đường biên giới, nên căn cứ vào chiều dài đường biên giới của mỗi mỗi xã (hiện nay đang phân bổ đồng đều 250 triệu đồng/xã/năm, dẫn đến những xã có đường biên giới ngắn thì không sử dụng hết, những xã có đường biên giới dài thì thiếu kinh phí).
UBND tỉnh trả lời: Theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, định mức chi thường xuyên trong thời kỳ ổn định ngân sách được áp dụng cho năm đầu của thời kỳ ổn định, hàng năm căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng thu ngân sách để quyết định điều chỉnh định mức chi thường xuyên. Trong những năm qua, thu ngân sách trên địa bàn rất khó khăn, do đó không có nguồn kinh phí để xem xét điều chỉnh định mức chi thường xuyên. Sở Tài chính tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong năm 2020, căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính về định mức chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định 2021 - 2025 và khả năng thu ngân sách trên địa bàn, Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành rà soát, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh định mức chi thường xuyên ngân sách năm 2021, áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2021 - 2025.
Cử tri kiến nghị: Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, khắc phục những đoạn đường hư hỏng, bong tróc tại Km 218+ 770 quốc lộ 6 thuộc địa phận huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La; nạo vét cống, rãnh đường quốc lộ 6 tại ngã 3 đường vào xã Mường Lựm, ngã 3 đường vào trụ sở UBND xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La để đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh nước tràn ra đường, tràn vào nhà dân mỗi khi có mưa to.
UBND tỉnh trả lời: Đoạn tuyến trên thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải (Chi cục Quản lý Đường bộ I là đơn vị trực tiếp quản lý). UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải chuyển kiến nghị của cử tri đến Bộ Giao thông Vận tải xem xét, giải quyết.
Huy Ngoan (TH)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!