Nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các tầng lớp Nhân dân đóng góp với Đảng

Đến thời điểm này, đợt lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã kết thúc. Những ý kiến đóng góp thực chất, xuất phát từ trí tuệ, tâm huyết, đầy trách nhiệm của nhân dân khẳng định niềm tin của nhân dân với Đảng. Đây cũng là tiền đề quan trọng để chúng ta kỳ vọng vào kỳ Đại hội XII của Đảng sẽ thành công, với nhiều dấu ấn sâu sắc.

Là đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng.


Diễn đàn sâu rộng để phát huy quyền làm chủ của nhân dân

 

Kể từ ngày 15/9, Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng bao gồm: Báo cáo chính trị trình Đại hội XII; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã được Bộ Chính trị công bố rộng rãi để cán bộ, đảng viên, nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến.

 

Ngay sau đó, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng. Nhiều cơ quan báo chí đều mở các chuyên trang, chuyên mục, tạo diễn đàn sâu rộng để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chức sắc tôn giáo, cùng các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện các dự thảo văn kiện quan trọng của Đảng.

 

Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đăng tải toàn văn dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, dư luận các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đánh giá cao quyết định của Bộ Chính trị; đồng thời bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng vào việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện. Nhiều ý kiến cho rằng việc công bố rộng rãi dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng để lấy ý kiến nhân dân đã phát huy tinh thần dân chủ, tạo điều kiện cho nhân dân nói lên tiếng nói của mình, đóng góp cho đường lối phát triển đất nước. 

Là đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, MTTQ từ Trung ương đến cơ sở đã tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến nhân sỹ, trí thức, nhà khoa học, những người từng tham gia các cương vị lãnh đạo, quản lý, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, sắc sảo, hàm lượng khoa học rất cao, chiều sâu thực tiễn rất lớn, nêu bật những vấn đề, có những ý kiến đồng tình và cả những ý kiến phản biện, giúp các cơ quan soạn thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng có thêm điều kiện đón nhận những ý kiến hay, bổ ích.

 

Cụ thể, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức cuộc góp ý đầu tiên trong cả nước ngay sau khi văn kiện được công bố với sự tham gia của các đại biểu đại diện người có uy tín của 11 dân tộc thuộc 7 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang. Ngay sau đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị Đoàn Chủ tịch để đóng góp ý kiến trực tiếp; tổ chức 5 hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý với sự tham gia của nhiều chuyên gia, cán bộ cao cấp, các nhà hoạt động thực tiễn trong nhiều lĩnh vực ở trong nước và cả người Việt Nam ở nước ngoài để cùng tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện.

 

Đặc biệt, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Thanh tra Chính phủ tổ chức 3 cuộc tọa đàm lớn với các chủ đề khác nhau, gồm: “Phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập”; “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, xung kích đi đầu trong xây dựng đất nước”, “Phát huy dân chủ trong thời kỳ internet; giám sát và phản biện xã hội; đấu tranh, phòng chống tham nhũng”. Các cuộc tọa đàm này đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong từng lĩnh vực với nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng, tạo được sự đồng tình của dư luận xã hội.

 

Tại các diễn đàn góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, những ý kiến tâm huyết của các đại biểu sẽ được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp, tiếp thu và gửi tới Bộ Chính trị, Ban soạn thảo Văn kiện và các cơ quan liên quan. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự kiến đăng ký một buổi làm việc với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về ý kiến chính thức của Mặt trận đối với các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng.

 

Xác định được vai trò, tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam… đã tổ chức nhiều diễn đàn để thế hệ trẻ có cơ hội phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tham gia vào việc xây dựng Đảng, phát triển đất nước. Đáng chú ý, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm ở cả 3 niềm Bắc, Trung, Nam nhằm lấy ý kiến của các đối tượng trí thức trẻ, thanh niên công nhân, lao động trẻ… Theo đó nhiều nội dung quan trọng đã được các đối tượng này góp ý liên quan đến vấn đề phát huy giá trị văn hóa truyền thống nhằm nuôi dưỡng tinh thần, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ trong xây dựng đất nước; các cơ chế chính sách liên quan đến bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; việc giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ; vai trò của tổ chức Đoàn trong việc phát huy sức mạnh của đội ngũ thanh niên trong tham mưu xây dựng và hoàn thiện các chủ trương của Đảng; phát huy tài năng của người trẻ, thu hút đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ trẻ trong quá trình xây dựng đất nước; vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

 

Cũng trong thời gian này, Đảng đoàn Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội vào dự thảo văn kiện. Văn phòng Trung ương, Ban Dân vận Trung ương cũng có kênh để đón nhận ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Các tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan đơn vị trên cả nước đã tổ chức hội nghị góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, với sự tham gia của đại diện các hội, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Điển hình như Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 14.300 ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố tham gia góp ý vào dự thảo các văn kiện; Đảng bộ Thành phố Hà Nội có 2.913 tổ chức cơ sở đảng, 57 tổ chức đảng cấp trên cơ sở và 3 tổ chức đảng trực thuộc Thành ủy góp ý vào dự thảo các văn kiện; Đảng bộ tỉnh Bắc Giang nhận được hơn 40 nghìn lượt ý kiến…

 

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho biết, theo thống kê qua kênh của Ban Tuyên giáo Trung ương, các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải khoảng 730 ý kiến góp ý vào hai dự thảo văn kiện, trong đó trên báo in, báo điện tử, tạp chí có khoảng 500 ý kiến, trên báo truyền hình, phát thanh có khoảng 250 ý kiến. Ban cũng đón nhận 248 thư, văn bản góp ý kiến vào các dự thảo qua đường bưu chính. Trên thực tế, số lượng ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện còn nhiều hơn.

 

Trí tuệ, dân chủ, tâm huyết và đầy trách nhiệm

 

Theo dõi các diễn đàn góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII do MTTQ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương trong cả nước tổ chức trong thời gian qua, chúng tôi thấy nổi lên là tinh thần tâm huyết, dân chủ, xây dựng và trách nhiệm trong các ý kiến đóng góp. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân đã có những bài viết với các ý kiến đóng góp, phân tích sâu sắc, đề xuất bổ sung các giải pháp thực hiện các định hướng lớn nêu trong văn kiện. Cùng với việc đánh giá cao những quan điểm mới được đề cập trong Dự thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo các giai tầng trong xã hội đã có nhiều đề xuất với Đảng tìm các giải pháp để xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới.


Các ý kiến đã phân tích sâu sắc, làm rõ hơn những điểm mới trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhất là về đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới, mục tiêu tổng quát, động lực phát triển đất nước 5 năm tới, đổi mới mô hình tăng trưởng và hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển văn hóa trong thời kỳ hội nhập…
 

Trong đó, các góp ý liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế là một nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Các ý kiến đánh giá cao những điểm mới trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, trong đó có nội dung về đổi mới mô hình tăng trưởng và hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các ý kiến nhấn mạnh đến việc phát triển kinh tế nước ta trong điều kiện hội nhập với nền kinh tế toàn cầu hiện nay, vượt qua những thách thức, tận dụng thời cơ để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đất nước phát triển. Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến những biện pháp để chúng ta không bị rơi vào bẫy của những nước có mức thu nhập trung bình và tập trung mạnh vào các giải pháp phát triển kinh tế.

 

Cùng với vấn đề phát triển kinh tế, nhiệm vụ xây dựng Đảng cũng nhận được được nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết. Các ý kiến nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở nghiêm túc, tự giác và có kế hoạch, biện pháp phù hợp để khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm. Đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ…

 

Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến yếu tố kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên. Hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình, phê bình, chất vấn trong các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ các cấp. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng…

 

Vấn đề thứ ba thu hút sự quan tâm góp ý là việc xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Các ý kiến cho rằng, Đại đoàn kết dân tộc là phải lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là nền tảng. Các ý kiến nhấn mạnh đến việc ngoài các chủ trương, chính sách chung đang thực hiện thì phải tạo ra cơ chế để sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc thực sự trở thành sức mạnh nội sinh quyết định thắng lợi của dân tộc trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là phát triển kinh tế, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, biển đảo, thống nhất đất nước. Trong đó, cần quan tâm đến việc thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước đó là đảm bảo tự do tôn giáo tín ngưỡng, có chính sách để đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển mạnh mẽ hơn, hòa chung với nhịp độ phát triển của cả nước, tạo thành sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc phải nâng cao nhận thức về vai trò, sức mạnh của văn hóa đối với sự phát triển, nhất là trong tình hình hiện nay. Cần tạo dựng hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam; cần coi việc xây dựng con người là khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Từ đó, tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển con người toàn diện cả về thể chất và tinh thần… Đáng chú ý có ý kiến nhấn mạnh đến việc cần tạo dựng giá trị văn hóa lãnh đạo trong tất cả các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Một người lãnh đạo có tầm nhìn, có sự hiểu biết sâu rộng, biết nhìn xa trông rộng sẽ đem lại hiệu quả to lớn cho đất nước…

 

Một vấn đề thu hút được nhiều ý kiến nữa chính là vấn đề liên quan đến tham nhũng, lãng phí, thực hành dân chủ trong điều kiện hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng khi tham nhũng đã trở thành quốc nạn đe dọa sự sống còn của Đảng, của chế độ thì cần có cơ chế đặc thù và những biện pháp mạnh mẽ mới có thể xoay chuyển được tình hình. Đồng thời tạo cơ chế cho MTTQ Việt Nam thực hiện giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong điều kiện đất nước có một Đảng cầm quyền. Cùng với đó là vấn đề cần bảo đảm dân chủ, phát huy thực hiện dân chủ trong thời kỳ hiện nay. Cần thực hiện nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành dân chủ của người dân, cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên. Đặc biệt, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của họ bằng hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Gắn sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền với đảm bảo dân chủ….

 

Là một trong những cơ quan tổng hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân về góp ý các dự thảo văn kiện, TS Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, những ý kiến góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII rất thực chất, xuất phát từ trí tuệ, tâm huyết đầy trách nhiệm của người góp ý về tình hình đất nước. Trong đó có nhiều nội dung, nhiều ý kiến MTTQ Việt Nam tập hợp riêng để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan liên quan và theo dõi quá trình xử lý của cơ quan liên quan để báo cáo lại với các tầng lớp nhân dân theo đúng Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện giám sát và phản biện xã hội và quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng, Nhà nước. Quá trình này MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi trong thời gian sắp tới.

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống chính trị xã hội của đất nước. Với những kết quả của công tác tổ chức đại hội Đảng 3 cấp vừa qua và những ý kiến tâm huyết, trách nhiêm, trí tuệ, sâu sắc, đầy tính xây dựng của các tầng lớp nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện, chúng ta tin tưởng, đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để vượt qua mọi khó khăn, phát huy thuận lợi tiếp tục đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững, sánh vai với các cường quốc năm châu theo mong muốn của Bác Hồ./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới