Ngày 6/9, đồng chí Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát đã chủ trì cuộc làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956/QĐ-TTg giai đoạn 2011-2017 trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu dự cuộc giám sát về việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956.
Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Quàng Văn Hương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Đoàn giám sát; Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố...
7 năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, tư vấn, định hướng cho người lao động tham gia học nghề, tiếp cận với những kiến thức mới, những ngành nghề mới. Kết quả, giai đoạn 2011-2017 đã có trên 90 nghìn lao động được đào tạo nghề từ dưới 3 tháng đến trình độ cao đẳng (trong đó trên 36 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956). Sau khi học nghề, tạo việc làm cho gần 20 nghìn lao động.
Tại cuộc làm việc, các cơ quan, đơn vị liên quan đã đề xuất, kiến nghị: Chính phủ nâng mức hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính khi phân bổ nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ghi rõ phần vốn dành cho dạy nghề lao động nông thôn để tỉnh Sơn La thực hiện 8 nội dung hoạt động dạy nghề theo quy định tại Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Liên bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động-TBXH tăng mức hỗ trợ kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn hàng năm cho tỉnh Sơn La, bảo đảm mỗi năm đào tạo nghề cho từ 5.000-6.000 lao động nông thôn.
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Đắc Quỳnh đề nghị trong thời gian tới UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cần tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động, nhất là đối với lao động nông thôn; thông tin đến người lao động thị trường lao động trong nước và tham gia xuất khẩu lao động đúng quy định của pháp luật. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Qua đó, thu hút đông đảo lực lượng lao động; phát triển và mở rộng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, nhằm giải quyết thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!