Xem xét đầu tư cầu kiên cố bắc qua sông Đà tại bến phà Vạn Yên• Đề nghị xây dựng Đề án hình thành, phát triển hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên• Đề nghị cho phép địa phương tuyển dụng giáo viên theo chuyên ngành
Cử tri kiến nghị: Đề nghị xem xét đầu tư cầu kiên cố bắc qua sông Đà tại khu vực bến phà Vạn Yên thuộc bản Liếm, xã Tân Phong, huyện Phù Yên.
Bộ Giao thông và Vận tải trả lời: Hiện nay, lưu thông trên quốc lộ 43 đoạn vượt sông Đà vẫn đang phải sử dụng phà tại bến phà Vạn Yên nên việc nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đà tại đây là cần thiết để tăng cường lưu thông trên tuyến, giảm thời gian qua phà. Do vị trí xây dựng cầu nằm trong lòng hồ thủy điện Hòa Bình có mực nước lên xuống không ổn định, tổng mức đầu tư xây dựng công trình lớn (dự kiến khoảng hơn 1.200 tỷ đồng) trong khi lưu lượng lưu thông trên tuyến thấp (khoảng 200 xe ô tô/ngày đêm). Giai đoạn 2021-2025, do nguồn lực khó khăn nên Bộ GTVT chỉ được phân bổ khoảng 304.104 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhu cầu đầu tư khoảng 462.000 tỷ đồng. Theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, số vốn này phải ưu tiên bố trí cho các nhiệm vụ chi bắt buộc, một số dự án động lực, cấp bách, xử lý các điểm nghẽn thuộc 5 chuyên ngành giao thông trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trong 5 năm.
Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của cử tri về sự cần thiết nghiên cứu đầu tư công trình cầu qua sông Đà tại khu vực bến phà Vạn Yên trên quốc lộ 43 để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo khu vực khi cân đối được nguồn lực.
Cử tri kiến nghị: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan chủ trì, phối hợp với tỉnh Sơn La và các địa phương xây dựng Đề án hình thành, phát triển hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên; trong đó có các giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù giúp tỉnh Sơn La trở thành một cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của tiểu vùng Tây Bắc và trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 4124/TTr-BKHĐT ngày 20/6/2022 trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tỉnh Sơn La đã được định hướng trở thành một cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng, trung tâm kinh tế của tiểu vùng Tây Bắc và trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ. Đồng thời, tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, hình thành hành lang kinh tế kết nối Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để triển khai khi Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW được Chính phủ ban hành để phát triển Sơn La theo định hướng phát triển của Bộ Chính trị.
Cử tri kiến nghị: Việc tuyển dụng giáo viên theo vị trí việc làm quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức còn có điểm chưa phù hợp trong việc xác định vị trí việc làm cần tuyển đối với từng đơn vị. Đề nghị cho phép địa phương (các tỉnh miền núi phía Bắc) tuyển dụng theo chuyên ngành từng bộ môn giảng dạy, lấy theo kết quả tổng điểm từ cao đến thấp cho đến khi hết chỉ tiêu, sau đó mới phân công về các trường sẽ đảm bảo được chất lượng tuyển dụng, cũng như tuyển được giáo viên cho các trường vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đang thiếu giáo viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Theo quy định hiện nay, việc tuyển dụng viên chức nói chung (trong đó có giáo viên các cấp) thực hiện theo quy định tại Luật Viên chức, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông làm căn cứ để tuyển dụng giáo viên. Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền hướng dẫn về nội dung, hình thức và quy trình tuyển dụng giáo viên. Do đó, đề nghị cử tri tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh báo cáo, đề xuất với Bộ Nội vụ những khó khăn, vướng mắc nêu trên để xem xét, tham mưu Chính phủ điều chỉnh phù hợp.
Ngọc Thuấn (TH)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!