Xem xét lại việc đặt tên cho tiểu khu và việc đổi tên từ tiểu khu sang bản; Chi trả kinh phí khen thưởng cho nhân dân và cán bộ xã Chiềng Pằn; Kiểm tra, xem xét việc Công ty CP Mía đường Sơn La làm phân vi sinh gây ô nhiễm môi trường
Cử tri đề nghị: Xem xét lại việc đặt tên cho tiểu khu và việc đổi tên từ tiểu khu sang bản (sáp nhập tiểu khu 26/3 với tiểu khu 4 thành tiểu khu 26/3; sáp nhập tiểu khu 39 với bản Co Muông thành tiểu khu 39 - xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn) là không hợp lý do trước đây, nhân dân đã thống nhất chọn và đặt tên theo nguồn gốc, ý nghĩa hình thành, đồng thời liên quan đến giấy tờ hành chính của cá nhân các hộ dân của tiểu khu (những tiểu khu này nằm trong quy hoạch phát triển đô thị trong thời gian tới, do vậy để nguyên là tiểu khu vẫn phù hợp với quy định).
UBND tỉnh trả lời: Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 2 Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố “1. Thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc,… (gọi chung là thôn); thôn được tổ chức ở xã; dưới xã là thôn. 2. Tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu,... (gọi chung là tổ dân phố); tổ dân phố được tổ chức ở phường, thị trấn; dưới phường, thị trấn là tổ dân phố”.
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố“... 2. Chuyển thôn thành tổ dân phố trong trường hợp thành lập phường, thị trấn từ đơn vị hành chính xã: Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường, thị trấn từ đơn vị hành chính xã, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chuyển thôn thành tổ dân phố thuộc phường, thị trấn”.
Như vậy, theo quy định của cấp có thẩm quyền tổ chức dưới xã là thôn (bản), các tiểu khu: tiểu khu 26/3, tiểu khu 4, tiểu khu 39 thuộc xã Cò Nòi (chính quyền địa phương ở nông thôn), do đó, sau khi sáp nhập phải chuyển thành thôn (bản) để được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước đảm bảo đúng quy định theo tên gọi (một số chế độ chính sách đối với thôn sẽ khác với tổ dân phố). Việc điều chỉnh các giấy tờ hành chính của cá nhân, các hộ dân đã được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có hướng dẫn về quy trình cấp đổi, cấp mới theo đúng quy định và đang từng bước thực hiện ở các bản sau sáp nhập.
Cử tri đề nghị: Cơ quan có thẩm quyền thực hiện chi trả kinh phí khen thưởng cho nhân dân và cán bộ xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Quyết định số 1634/QĐ-TTg ngày 26/11/2018.
UBND tỉnh trả lời: Đến thời điểm thông tin tới cử tri, Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành việc chuyển tiền thưởng cho tập thể, cá nhân được khen thưởng theo quy định.
Cử tri đề nghị: Cấp có thẩm quyền chỉ đạo kiểm tra, xem xét việc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La làm phân vi sinh gây ô nhiễm môi trường (gây mùi hôi, thối) gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và đời sống của nhân dân trong vùng.
UBND tỉnh trả lời: Trong niên vụ 2018-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty cổ phần Mía đường Sơn La phải rà soát, khắc phục ngay những tồn tại và yêu cầu chấp hành thực hiện đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Đã xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty với hành vi vi phạm theo Điểm e Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (đã xử phạt 90.000.000 đồng).
Ngày 08/10/2019, UBND huyện Mai Sơn đã thành lập Đoàn đi kiểm tra thực địa, tại thời điểm kiểm tra Công ty đã dừng các hoạt động sản xuất, tại khu vực sản xuất phân vi sinh không còn nguyên liệu và thành phẩm là phân vi sinh; không còn lượng tro, bã bùn mía tập kết trong khuôn viên nhà máy; không phát hiện mùi hôi, thối khó chịu. Dự án “Nâng công suất nhà máy đường Sơn La từ 3.000 lên 10.000 tấn mía/ngày tương đương 45.000 lên 150.000 tấn đường/năm” của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 1879/QĐ-BTNMT ngày 13/6/2018, trong đó có nêu các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm do chất thải rắn (tro sau khi đốt, bã bùn từ các thiết bị lọc) sẽ được sử dụng làm sản xuất phân vi sinh. Do vậy, theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, thẩm quyền kiểm tra các công trình xử lý chất thải đã hoàn thành để vận hành thử nghiệm của dự án và kiểm tra xác nhận các công trình bảo vệ môi trường của dự án thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Công ty cổ phần Mía đường thực hiện đúng theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra toàn diện Công ty cổ phần Mía đường Sơn La trong việc thực hiện các nội dung theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ phê duyệt.
Huy Ngoan (TH)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!