Đề xuất phương án phân bổ nguồn kinh phí năm 2018; Cần có phương án xử lý tạm thời 3 cửa thoát lũ tại xã Chiềng Xôm; Đề nghị sớm giao vốn trồng rừng cho huyện Yên Châu; Đề nghị đầu tư điện lưới quốc gia cho bản Háng Đồng C và Làng Sáng; Xem xét đầu tư xây dựng nhà chờ xe buýt tuyến Sơn La - Thuận Châu
Cử tri đề nghị: Đề xuất phương án phân bổ nguồn kinh phí năm 2018 để thực hiện các nghị quyết về cơ chế chính sách do HĐND tỉnh ban hành, trong đó có Nghị quyết số 57/2017/NQ-HĐND.
UBND tỉnh trả lời: Trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách 2018, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố rà soát, xác định kinh phí thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành, tổng hợp trong dự toán chi ngân sách địa phương năm 2018 trình HĐND, UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trong dự toán chi của các sở, ngành, các huyện, thành phố để triển khai thực hiện.
Kinh phí thực hiện Nghị quyết số 57/2017/NQ-HĐND ngày 21/8/2017 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021: Hiện nay, các huyện, thành phố đang triển khai quy trình rà soát, lựa chọn các hợp tác xã được hưởng chính sách hỗ trợ và hồ sơ tài liệu; do đó chưa có hồ sơ dự toán gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bổ sung kinh phí cho các huyện, thành phố. Nguồn kinh phí thực hiện nghị quyết dự kiến bố trí từ nguồn sự nghiệp kinh tế ngân sách tỉnh năm 2018.
Cử tri đề nghị: Có phương án giải quyết và phương án xử lý tạm thời 3 cửa thoát lũ tại xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La.
UBND tỉnh trả lời: Phương án giải quyết và phương án xử lý tạm thời 3 cửa thoát lũ tại xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 598/QĐ-UBND ngày 18/3/2017 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, sửa chữa, khơi thông một số cửa thoát lũ suối Nậm La, thành phố Sơn La, với tổng mức đầu tư 14,5 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2017- 2018. Đến nay dự án đã hoàn thành, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết toán tại Quyết định số 2783/QĐ-UBND ngày 28/10/2017 với giá trị quyết toán công trình hoàn thành: 7.477,216 triệu đồng.
Cử tri kiến nghị: Năm 2017, UBND huyện Yên Châu được phân bổ giao chỉ tiêu kế hoạch trồng 300 ha rừng, tuy nhiên vẫn chưa được giao vốn. Đề nghị sớm xem xét giao vốn trồng rừng năm 2017 để UBND huyện triển khai thực hiện chỉ tiêu trồng rừng.
UBND tỉnh trả lời: Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững kế hoạch 2017, tỉnh chỉ được bố trí vốn cho các dự án có kết quả giải ngân đạt trên 30% tính đến 31/9/2016. Do vậy, trong kế hoạch 2017 Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Sơn La chỉ được giao 1.000 triệu đồng cho 1 dự án bảo vệ phát triển rừng đặc dụng Sốp Cộp (tại Quyết định số 1989/QĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 31/12/2016).
Trong năm 2017, UBND tỉnh đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định (Báo cáo số 83/BC-UBND ngày 24/02/2017) và có kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xin ứng trước kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các năm 2018-2020 để thực hiện các dự án bảo vệ phát triển rừng năm 2017 (Báo cáo số 650/BC-SKHĐT ngày 19/6/2017) nhưng không được cân đối, bố trí bổ sung nguồn vốn để thực hiện. Trong năm 2018, UBND tỉnh đã phân bổ 2.500 triệu đồng cho UBND huyện Yên Châu để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2018.
Cử tri đề nghị: Xem xét đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia cho bản Háng Đồng C và Làng Sáng, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên.
UBND tỉnh trả lời: Bản Háng Đồng C và bản Làng Sáng của xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên là hai bản đặc biệt khó khăn, đường xá đi lại khó khăn, nằm cách xa trung tâm xã. Tại thời điểm khảo sát, lập dự án “Cấp điện cho các hộ chưa có điện trên địa bàn 4 huyện Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên” do Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc làm chủ đầu tư và dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020” do Sở Công Thương làm chủ đầu tư, các bản trên chưa có đường ô tô đến bản, do đó không thể vận chuyển các vật tư, vật liệu, thiết bị có trọng lượng và kích thước lớn như: cột bê tông, máy biến áp, dây cáp... để thi công cấp điện nên Sở Công Thương và Công ty Điện lực Sơn La chưa thể đưa hai bản trên vào các dự án.
Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành đề xuất nguồn vốn để thực hiện dự án cấp điện cho hai bản Háng Đồng C, Làng Sáng của xã Háng Đồng sau khi có đường ô tô đến các bản để có thể vận chuyển vật tư, thiết bị điện triển khai dự án.
Cử tri đề nghị: Xem xét đầu tư xây dựng nhà chờ xe buýt tuyến Sơn La - Thuận Châu. Trước mắt xây dựng nhà chờ tại Dốc Két nước để phục vụ nhân dân.
UBND tỉnh trả lời: Hiện nay, nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng hỗ trợ dịch vụ vận tải rất hạn hẹp; chính sách của Đảng, Nhà nước hiện nay nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng là ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa, theo đó các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư hạ tầng để kinh doanh, khai thác. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải huy động các đơn vị khai thác tuyến Sơn La - Thuận Châu đầu tư từng bước hoàn thiện hạ tầng phục vụ khai thác tuyến, trong đó có nhà chờ, mà trước mắt là nhà chờ tại dốc Két nước thành phố Sơn La.
Huy Ngoan (TH)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!