Chiều ngày 20/6/2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 19 của Kỳ họp thứ 5. Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La, Ủy viên Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, đã tham gia góp ý vào dự thảo Luật.
Tham gia Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Vi Đức Thọ nhất trí Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường về sự cần thiết sửa đổi Luật. Đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật trình Quốc hội được sửa đổi tương đối toàn diện, điều chỉnh nhiều nội dung căn cứ trên thực tiễn và một số vấn đề mang tính xu thế có ảnh hưởng đến tài nguyên nước, cũng như quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước, có tầm nhìn xa, xây dựng chiến lược, quy hoạch sử dụng tài nguyên, hướng tới sử dụng bền vững.
Đại biểu Vi Đức Thọ đã ham gia 4 nội dung góp phần hoàn thiện dự thảo luật, như sau:
" 1. Về kết cấu của dự thảo luật
Dự thảo luật thiết kế nhiều điều, khoản quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, nhiều điều quy định lặp đi, lặp lại trách nhiệm của các cơ quan này. Việc cụ thể hoá như vậy mặc dù vẫn đảm bảo theo quy định, nhưng về mặt kỹ thuật như trên, tôi cho rằng chưa phù hợp, các nội dung này tản mát, không tập trung, mỗi một nhiệm vụ đều quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan (Chủ yếu là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND cấp tỉnh, thành phố...). Do vậy, đề nghị rà soát lại các chương, mục có quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, nên kết cấu mỗi cơ quan, đơn vị có 1 Điều, chứa các khoản về trách nhiệm liên quan đến các nội dung thuộc Chương, mục đó. Như vậy, kết cấu của Luật sẽ gọn và không rườm rà như dự thảo đã trình.
- Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10)
Tại khoản 1 Điều 10 có quy định: "1. Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại vào nguồn nước; các hành vi khác gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước’’.
Đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ các hành vi khác là những hành vi gì? Nếu không xác định được thì đề nghị bỏ nội dung này, để khi áp dụng Luật đảm bảo tính đồng bộ, dễ thực hiện.
- Về vấn đề hợp tác khai thác sử dụng nguồn nước liên quốc gia
Tại dự thảo luật đã sửa đổi nhiều nội dung, đặc biệt về việc quy hoạch, điều tra cơ bản tài nguyên nước, trong đó có nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong việc quản lý, khai thác nguồn nước chung, đặc biệt là liên quốc gia.
Tại điểm c khoản 1 Điều 11 – Dự thảo luật có quy định:
"c) Xác định các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước theo quy định tại Điều 12 của Luật này cần tiến hành đối với các lưu vực sông, các vùng, các nguồn nước và thứ tự ưu tiên thực hiện trong thời kỳ quy hoạch; xác định danh mục nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia"
Tuy nhiên, tại Mục 2, Chiến lược quy hoạch tài nguyên nước, từ Điều 14 đến Điều 22 chỉ quy định về quy hoạch nguồn nước liên tỉnh, và không có 1 quy định nào về nguồn nước liên quốc gia. Do đó, tôi đề nghị bổ sung trong dự thảo luật nội dung mang tính định hướng về nguyên tắc, cách thức giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp tác, thoả thuận trong việc bảo vệ, khai thác các nguồn nước liên quốc gia làm cơ sở căn cứ thực hiện các quy hoạch liên quan. Đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm do có liên quan đến mối quan hệ đối ngoại với các nước có chung nguồn nước. Tuy nhiên, cần thiết xem xét cân nhắc quy định trong luật nhằm tạo cơ sở cho các hoạt động hợp tác này.
- Về quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa (Điều 39)
Khoản 4 Điều 39 quy định về quy trình vận hành liên hồ chứa theo hướng thời gian thực. Đây là nội dung nhằm bảo đảm an toàn cho công trình, vùng hạ du, tối ưu hoá việc điều tiết nguồn nước cho các mục đích sử dụng. Tuy nhiên, tại khoản 4, việc quy định: ‘‘Tổ chức, cá nhân vận hành hồ chứa có trách nhiệm nghiên cứu, đầu tư đồng bộ giải pháp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng các yêu cầu vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực" cần xem xét quy định rõ hơn nhằm đảm bảo tính khả thi. Do đây là vận hành liên hồ chứa, nên sẽ có nhiều cá nhân, tổ chức tham gia vận hành, để đảm bảo thành hệ thống, cần xây dựng giải pháp về mặt kỹ thuật công nghệ đồng bộ, có tính kết nối nhằm đảm bảo thông tin thông suốt, liên tục phục vụ cho việc vận hành hồ chứa theo thời gian thực – Tức là diễn biễn thực tế hoạt động của liên hồ trong điều kiện thuỷ văn. Vì vậy, đề nghị quy định trong luật hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ khi xây dựng "giải pháp hệ thống hạ tầng kỹ thuật" này để áp dụng thống nhất, đồng bộ trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ vận hành liên hồ chứa."
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!