Đại biểu Quốc hội nhất trí cao về việc sử dụng hộ chiếu điện tử

Đa số đại biểu Quốc hội thống nhất cao với quy định triển khai hộ chiếu gắn chíp điện tử để tránh tình trạng làm giả hộ chiếu và để phù hợp với xu thế trên thế giới vì hiện nay tại khu vực Đông Nam Á chỉ còn Việt Nam và Mianma là chưa áp dụng hộ chiếu điện tử.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 12/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Chưa bảo đảm tính thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật

Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm mới, tiến bộ, cơ bản cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo các đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương), Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên), dự thảo Luật là bước tiến mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính, bỏ bớt quy định rườm rà, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân. Quy định rõ, cụ thể hành vi bị cấm, quyền và nghĩa vụ của công dân trong xuất cảnh, nhập cảnh. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý cho việc trang bị và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến cho quản lý xuất nhập cảnh nói chung và giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam nói riêng.

Đại biểu Quốc hội Bùi Mậu Quân phát biểu tại Hội trường sáng 12/6.
Ảnh: TTXVN

Đại biểu Bùi Mậu Quân dẫn chứng, dự thảo Luật đã quy định người dân chỉ cần có một tờ khai (có thể khai qua mạng hoặc theo mẫu) kèm theo hai ảnh và căn cước công dân là có thể làm được hộ chiếu. Đối với những người làm thủ tục lần đầu, nếu có căn cước công dân hoàn toàn có thể lựa chọn nơi làm hộ chiếu; trong một số trường hợp nhân đạo và khẩn cấp, công dân có thể đề nghị cấp chiếu lần đầu ngay tại Bộ Công an. Việc cấp hộ chiếu lần thứ 2 trở đi, người dân có thể lựa chọn nơi làm lại hộ chiếu ở bất cứ địa phương nào mà người dân thuận tiện nhất. Không đặt vấn đề hộ chiếu hết hạn như quy định cũ đó là hộ chiếu hết hạn 1 ngày là phải quay về nơi cư trú, thường trú hoặc đăng ký tạm trú dài hạn để đăng ký lại.

Bên cạnh đó, công dân có quyền lựa chọn nơi tiếp nhận hộ chiếu và hình thức nhận hộ chiếu, có quyền yêu cầu nhận trực tiếp hộ chiếu tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc tại nhà riêng; khôi phục lại giá trị hộ chiếu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi dùng hộ chiếu này để thực hiện giao dịch dân sự, hành chính cũng như kinh tế.

Tuy nhiên, một số đại biểu lưu ý, dự thảo Luật chưa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (TP Hồ Chí Minh) nêu rõ, dự thảo Luật có quy định về hoãn xuất cảnh, tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự không có quy định về hoãn xuất cảnh mà chỉ quy định cấm xuất cảnh. Cần rà soát lại quy định này tránh lúng túng trong quá trình thực thi. Tương tự, dự thảo Luật cũng quy định các trường hợp bị hoãn xuất cảnh, đó là người mà Tòa án yêu cầu dẫn độ hoặc quyết định dẫn độ, quy định này xung đột với Luật Tương trợ tư pháp, không quy định việc dẫn độ công dân Việt Nam…

Đối với quy định hộ chiếu là tài sản trong dự thảo Luật, Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) lưu ý, quy định này chưa phù hợp với quy định tại Điều 105 của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự về đối tượng tác động của các xâm phạm sở hữu. Khi hộ chiếu là tài sản thì hành vi chiếm đoạt hộ chiếu có coi là phạm tội xâm phạm sở hữu hay không? Thực tế chúng ta cũng chưa có trường hợp nào xét xử hành vi chiếm đoạt hộ chiếu của người khác, nên Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ về vấn đề này.

Hộ chiếu có gắn chíp điện tử - nâng tầm giá trị hộ chiếu Việt Nam

Thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến thống nhất cao với điểm mới trong dự thảo luật về hộ chiếu có gắn chíp điện tử và kiểm soát nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động. Nhiều đại biểu cho rằng, đây là vấn đề phù hợp với sự phát triển chung của thế giới với hơn 120 quốc gia đã phát hành hộ chiếu điện tử. Chíp điện tử, ngoài việc lưu trữ thông tin cá nhân, còn lưu trữ thông tin sinh trắc học (nhận dạng khuôn mặt, dấu vân tay, mống mắt), làm tăng tính xác thực của hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả.

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng, quy định này sẽ góp phần nâng tầm giá trị cuốn hộ chiếu Việt Nam, áp dụng công nghệ tiên tiến trong xuất nhập cảnh. Theo đại biểu, mục đích của việc phát hành hộ chiếu điện tử là nhằm tăng tính xác thực của hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả, bảo đảm an ninh an toàn; giảm được thời gian xếp hàng và tránh ùn ứ tại các cửa kiểm soát, các cổng đi lại như hiện nay. Khi sử dụng hộ chiếu điện tử và kiểm soát bằng cổng kiểm soát điện tử rất thuận tiện, thay bằng việc đóng dấu các trang hộ chiếu bằng việc đóng dấu trong hệ thống dữ liệu cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh. Do đó, người thường xuyên có hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh không phải lo ngại việc thay đổi hộ chiếu vì hết trang đóng dấu kiểm chứng như hiện nay.

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) phát biểu tại Hội trường sáng 12/6. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Hà Thị Lan đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất và phát hành hộ chiếu để nâng cao chất lượng, độ bền đẹp và tính bảo an của hộ chiếu. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án phát hành hộ chiếu điện tử.

Đồng quan điểm, Đại biểu  Vũ Thị Nguyệt  (Hưng Yên) bổ sung, hộ chiếu có gắn chíp điện tử hay còn gọi là hộ chiếu sinh trắc học, hộ chiếu kỹ thuật số. Hộ chiếu này ngoài lưu trữ thông tin cá nhân như họ tên, quốc tịch, ngày, tháng, năm sinh, giới tính… còn lưu trữ thông tin sinh trắc học để xác nhận danh tính của người sử dụng hộ chiếu, ví dụ nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng dấu vân tay... Toàn bộ dữ liệu thông tin cá nhân, dữ liệu sinh trắc của người sử dụng hộ chiếu được lưu trữ trong thẻ sẽ được mã hóa, ký số để bảo đảm tính an toàn xác thực và bảo mật theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng. Điều này rất phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, dự thảo Luật cần bổ sung khái niệm về hộ chiếu có gắn chip điện tử tại Điều 2, để thống nhất trong cách hiểu và áp dụng.

Sắp xếp lại nhóm đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ

Về việc cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, Dự thảo luật quy định phương án 1 là quy định cụ thể về đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, cơ quan có thẩm quyền quyết định, cử cho phép người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ra nước ngoài; Phương án 2 là mang tính nguyên tắc chung, giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Theo đại biểu Khánh, phương án 1 quy định quá cụ thể và trùng lặp đối với 1 cá nhân đang cùng lúc đảm nhận nhiều chức danh của Đảng, chính quyền và đoàn thể, tạo nên sự phức tạp, rắc rối. Phương án 2 chưa cụ thể, nếu quy định như Dự thảo luật sẽ chưa cụ thể hóa điều 14 của hiến pháp vì quyền tự do đi lại trong nước và nước ngoài là quyền của công dân, cần phải quy định trong văn bản luật không nên giao cho Chính phủ quy định bằng 1 văn bản dưới luật.

Vì vậy, đại biểu Khánh cơ bản tán thành với phương án 1 và không sử dụng phương án 2, đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sắp xếp lại nhóm đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, sao cho ngắn gọn, khoa học, tránh trùng lặp với các chức danh.

“Thời gian vừa qua, vụ Vũ Nhôm có vài ba hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cùng một thời điểm. Phải chăng là do từ việc quy định trùng lặp như phương án 1 vừa qua”. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị Chính phủ gia dựng quy định phương án 1 tốt hơn, rõ ràng và minh bạch, tránh chồng chéo để phát sinh lạm quyền. 

Cũng liên quan đến việc quy định các trường hợp được cấp hộ chiếu ngoại giao, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nêu ý kiến: “Có quy định người là vợ, hoặc chồng, con chưa đủ 18 tuổi của những người thuộc diện là những người đang phục vụ trong ngành ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ các chức vụ từ tùy viên trở lên tại cơ quan đại diện ngoại giao, Phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế liên chính phủ từ chức vụ, tùy viên lãnh đạo trở lên tại cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài cùng đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác cũng được cấp hộ chiếu ngoại giao tôi nghĩ quy định này cần cân nhắc thêm. Theo tôi, vợ hoặc chồng đi theo trong nhiệm kỳ công tác thì được cấp hộ chiếu ngoại giao là hợp lý, nhưng con đi theo hoặc vợ chồng đi thăm thì không nên được cấp hộ chiếu ngoại giao.”

Một số đại biểu cũng cho rằng, những quy định về trách nhiệm của các Bộ Ngoại giao, Công an, Quốc phòng trong quản lý xuất cảnh, nhập cảnh còn chung chung; chưa cụ thể về nội dụng và đối tượng quản lý. Do đó, cần rà soát lại, tách bạch thành từng lĩnh vực mà mỗi đơn vị chủ trì quản lý. Cũng có đại biểu đề xuất quy định rõ trách nhiệm của Bộ Ngoại giao về việc bảo hộ công dân Việt Nam khi làm thủ tục nhập cảnh tại nước ngoài.

Nêu thực tế về việc xuất hiện trường hợp trẻ em sinh ra tại nước ngoài, sau đó nhập cảnh về Việt Nam và đi cùng người khác, nhưng không phải là người đại diện hợp pháp, dễ phát sinh những đường dây dịch vụ đưa trẻ em nhập cảnh nhằm thu lợi bất chính. Một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định người đại diện hợp pháp đi cùng với người mất năng lực hành vi dân sự và người chưa đủ 14 tuổi khi nhập cảnh vào Việt Nam, nhằm bảo đảm trật tự công cộng, sức khỏe và quyền tự do của công dân.

Trước đó, đầu giờ sáng nay, Quốc hội nghe báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời bỏ phiếu kín phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Số phiếu phát ra và thu về đều là 460 và kết quả sẽ được công bố vào đầu giờ chiều nay./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới