Cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

Cử tri đề nghị: Làm rõ mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh, cấp huyện trong việc tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép, kiểm tra việc đóng cửa mỏ; việc huyện đề xuất nhưng không được giải quyết. Nghiên cứu ban hành văn bản quy định rõ trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong việc cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

UBND tỉnh trả lời: Về mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh, cấp huyện trong việc tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép, kiểm tra việc đóng cửa mỏ:

Theo quy định tại điểm khoản 8 Điều 6 Quyết định số 1590/QĐ-UBND ngày 14/6/2017 của UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La: “8. Xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân.

8.1. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối chủ trì trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về lĩnh vực khoáng sản theo quy định hiện hành của pháp luật;

8.2. Sở Xây dựng là cơ quan có trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ và chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng và nguyên liệu xi măng nhóm B và C không phân biệt nguồn vốn (tổng mức đầu tư ≤ 1.500 tỷ đồng), trừ các dự án do các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước chuyên ngành về khai thác và chế biến khoáng sản thực hiện trên địa bàn; sự phù hợp về quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng ở khu vực được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; bãi thải các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng đã đóng cửa mỏ. Cử cán bộ có chuyên môn tham gia góp ý kiến, thẩm định: Đề án thăm dò, báo cáo kết quả thăm dò; Đề án đóng cửa mỏ, Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Dự án cải tạo phục hồi môi trường, tham gia thẩm định tại thực địa khu vực xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản khi cơ quan chủ trì đề nghị.

8.3. Sở Công Thương là cơ quan có trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ và chế biến khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng) nhóm B và C không phân biệt nguồn vốn (Tổng mức đầu tư ≤ 1.500 tỷ đồng), trừ các dự án do các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước chuyên ngành về khai thác và chế biến khoáng sản thực hiện trên địa bàn; sự phù hợp về quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản ở khu vực đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; than bùn; khoáng sản ở bãi thải của các mỏ đã đóng cửa mỏ (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng). Cử cán bộ có chuyên môn tham gia góp ý, thẩm định: Đề án thăm dò, báo cáo kết quả thăm dò; Đề án đóng cửa mỏ; Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Dự án cải tạo phục hồi môi trường; kiểm tra hiện trạng hoạt động khoáng sản khi cơ quan chủ trì đề nghị; tham gia thẩm định tại thực địa khu vực xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản khi cơ quan chủ trì đề nghị;

8.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin, chủ trì thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi rừng, chuyển mục đích sử dụng đất nông, lâm nghiệp phục vụ mục đích hoạt động khoáng sản khi cơ quan chủ trì đề nghị; phối hợp tham mưu về định mức chi tái tạo lại rừng đối với các dự án khoáng sản; đánh giá tác động môi trường khi chuyển đổi rừng và đất nông nghiệp sang mục đích khác;

8.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực khoáng sản;

8.6. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công bố đơn giá liên quan đến hoạt động đấu giá khoáng sản;

8.7. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm cử cán bộ tham gia thẩm định cấp phép hoạt động khoáng sản khi cơ quan chủ trì đề nghị;

8.8. Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: Tham gia khảo sát, lựa chọn địa điểm; góp ý kiến về dự án; xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân theo quy trình thủ tục hành chính được công bố, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường, Dự án cải tạo phục hồi môi trường, giải phóng mặt bằng, thuê đất, giao đất, xác định mốc giới, xác định sử dụng cơ sở hạ tầng, quản lý hành chính đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn; đánh giá việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân khi được cơ quan chủ trì đề nghị;

8.9. Việc kiểm tra hiện trạng khu vực và các vấn đề khác có liên quan được thống nhất thực hiện cùng một lần kiểm tra của cơ quan chủ trì, các cơ quan liên quan phối hợp”. (Còn nữa)

Huy Ngoan (TH)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới