Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cấm đăng nội dung xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của đất nước
Chiều 4/11, Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) được trình Quốc hội để lấy ý kiến. Trả lời phỏng vấn báo chí về Dự án Luật này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định: Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ hỗ trợ tốt cho quy hoạch báo chí, tránh chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan báo chí.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết khái quát về những nội dung mới của Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp này?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Luật Báo chí ban hành năm 1989, được sửa đổi bổ sung năm 1999. Đến nay, sau 16 năm thi hành, Luật Báo chí đã bộc lộ những bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời những nảy sinh trong thực tiễn hoạt động báo chí, chưa phát huy được hiệu lực và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, sửa đổi Luật Báo chí hiện hành là để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và để các quy định của pháp luật về báo chí hiện hành phù hợp với các yêu cầu mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra.
Luật Báo chí năm 1989 gồm 7 chương, 31 điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã bổ sung 6 điều và bỏ 1 điều, tổng cộng có 36 điều. Dự thảo Luật Báo chí lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành. Trong đó, đáng chú ý là các quy định mới về đối tượng thành lập cơ quan báo chí; về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; về lãnh đạo cơ quan báo chí; về giấy phép; về liên kết trong hoạt động báo chí; về cải chính, phản hồi thông tin; về xử lý vi phạm...
Hay như vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí, dự thảo Luật cho phép cơ quan báo chí thực hiện việc liên kết với các đối tác trong và ngoài nước ở các mức độ và hình thức khác nhau để thực hiện việc thiết kế, trình bày, khai thác quảng cáo, in ấn, phát hành báo chí, sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình; quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân; thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định của nhà nước và kênh thời sự - chính trị - tổng hợp; thời lượng tối đa mà cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình.Đơn cử như đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, dự thảo Luật quy định ngoài các đối tượng như Luật hiện hành, các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; Tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; Bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên đều được ra tạp chí khoa học, không phân biệt cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, bệnh viện thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài hay công lập.
Dự thảo Luật cũng quy định cơ quan báo chí chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm trong hoạt động liên kết, không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, nhằm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí.
Tên gọi lãnh đạo cơ quan báo chí cũng được quy định mới để phù hợp với mô hình tòa soạn đa phương tiện, mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí, kênh, hệ chương trình. Người đứng đầu cơ quan báo chí (lãnh đạo cơ quan báo chí) được gọi là giám đốc hoặc tổng giám đốc. Tổng biên tập là người chịu trách nhiệm về nội dung, phụ trách một hoặc nhiều ấn phẩm, còn lãnh đạo cơ quan báo chí là người phụ trách chung. Người đứng đầu cũng có thể kiêm nhiệm tổng biên tập một hoặc một vài ấn phẩm, kênh, hệ.
Về nội dung cấm, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định mới như: cấm thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi chưa có căn cứ cho rằng những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm ảnh hưởng xấu đến đời tư của công dân; Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án.
Cấm đăng, phát trên truyền thông xã hội thông tin có tính chất báo chí vi phạm quy định của điều cấm; sản phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy; nội dung chương trình phát thanh, truyền hình đã bị đình chỉ, cấm lưu hành; nội dung vi phạm đã bị gỡ bỏ trên báo điện tử.
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền đăng tải nội dung thông tin có tính chất báo chí trên truyền thông xã hội. Tuy nhiên, nếu nội dung được đăng tải đó xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của đất nước thì đó là hành vi bị cấm. Hay về cải chính trên báo chí, có nhiều quy định mới, đơn cử như, đối với thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng thì ngoài việc cải chính, xin lỗi theo quy định, báo chí điện tử phải thực hiện đăng, phát cải chính, xin lỗi ngay khi nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm; cơ quan báo chí còn phải đăng, phát cải chính, xin lỗi trên 01 báo điện tử và 01 báo ngày do cơ quan báo chí lựa chọn, khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Cơ quan báo chí có thông tin phải cải chính chịu mọi chi phí về việc cải chính, xin lỗi.
PV: Để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật Báo chí (sửa đổi) quy định như thế nào về vấn đề quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Điều 25 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các nguyên tắc thực hiện quyền tự do báo chí: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Trên cơ sở cụ thể hóa đầy đủ, chính xác quy định của Hiến pháp 2013, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã tạo hành lang pháp lý để đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Dự thảo Luật đã có các quy định về việc Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng; báo chí, nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin, có quyền được biểu đạt thông tin, tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí.
PV: Luật lần này có những quy định gì để xử lý và hạn chế những sai phạm về nội dung thông tin trên báo chí như đã từng diễn ra thời gian qua?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Để hạn chế những sai phạm về nội dung thông tin báo chí cần thực hiện nhiều mặt công tác, như thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm minh vi phạm; bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên. Nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí cũng như chức năng, nhiệm vụ của Hội nhà báo đã quy định rõ các mặt công tác này.
Vấn đề vi phạm pháp luật về báo chí có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là từ yếu tố chủ quan, do nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo cơ quan báo chí. Do vậy, dự thảo Luật đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của nhà báo; nhiệm vụ, quyền hạn của từng chủ thể: tổng biên tập, phó tổng biên tập, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí.
Cùng với đó, dự thảo Luật còn quy định cụ thể về cải chính, phản hồi thông tin, khắc phục hậu quả do hành vi thông tin sai; quy định nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí đối với lỗi của cơ quan báo chí và nhà báo, quy định cụ thể từng trường hợp bị thu hồi thẻ nhà báo.
PV: Quy định về quản lý nhà nước về báo chí có những thay đổi như thế nào để phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí trong tình hình mới?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Về cơ bản, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí không có thay đổi nhiều. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động báo chí trong tình hình mới đòi hỏi cơ quan quản lý phải có sự đổi mới trong phương thức quản lý. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể thẩm quyền quản lý ở Trung ương, địa phương, liên quan các bộ, ngành, chủ quản; quy định cơ chế chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; tạo điều kiện tối giản các thủ tục hành chính không cần thiết, bãi bỏ 11 thủ tục liên quan đến cấp phép, quy định thành thông báo. Đơn cử, bỏ hẳn quy định về giấy chứng nhận đăng ký chương trình, kênh chương trình phát thanh, truyền hình liên kết, giấy phép sản xuất chương trình đặc biệt; thay đổi một số nội dung ghi trong giấy phép…
Việc cấp giấy phép hoạt động báo chí cần thiết để quản lý hoạt động báo chí, trong đó, giấy phép cần quy định cụ thể về tôn chỉ, mục đích, nhất thiết báo chí phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nếu không sẽ xem xét đình bản, thu hồi giấy phép. Cùng với đó, công tác hậu kiểm được tăng cường, với những quy định về theo dõi lưu chiểu, các biện pháp ngăn chặn khi thông tin sai phạm lan truyền nhanh, như quy định về kỹ thuật để bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm báo chí, bóc gỡ bài viết, thông tin vi phạm. Với quan điểm, quản lý đi đôi với phát triển báo chí, dự thảo Luật đã quy định về chính sách phát triển báo chí với cơ chế tài chính của cơ quan báo chí, cơ chế đặt hàng báo chí, hỗ trợ, đầu tư cho cơ quan báo chí thiết yếu thực hiện nhiệm vụ chính trị.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết thêm về tình hình thực hiện quy hoạch báo chí. Định hướng của quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 có gì mâu thuẫn với quy định của Luật Báo chí (sửa đổi) không?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Bộ TT&TT đã phổ biến nội dung cơ bản của định hướng Quy hoạch cho các đối tượng có liên quan; làm việc với một số bộ, ngành, địa phương là chủ quản cơ quan báo chí có ấn phẩm thuộc đối tượng quy hoạch. Cơ bản các cơ quan, đơn vị đều đã chuẩn bị phương án quy hoạch, tuy nhiên, đa số xin cơ chế đặc thù để phát huy những giá trị tích cực của các ấn phẩm báo chí hiện có trong công tác tuyên truyền. Bộ TT&TT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét, tính đến yếu tố đặc thù của báo chí Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một số chủ quản có nhiều ấn phẩm đang hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt công tác tuyên truyền.
Các nội dung định hướng trong Quy hoạch báo chí không có gì mâu thuẫn với dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. Luật Báo chí sửa đổi được ban hành trong thời gian tới sẽ là căn cứ pháp lý để triển khai các nội dung đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua, được nêu trong đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!