Ngày 27/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo phổ biến kiến thức "Ứng dụng thương mại điện tử trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho một số doanh nghiệp, HTX nông nghiệp tỉnh".
Dự Hội thảo, có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành, hội của tỉnh; lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Điện Biên; đại diện các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trồng cây ăn quả, cây cà phê trên địa bàn huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La và Thành phố.
Hiện nay, tỉnh Sơn La có 399 doanh nghiệp, hợp tác xã trồng cây ăn quả; 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ về nông nghiệp; 100 HTX có liên kết sản xuất tiêu thụ với khoảng 22.000 hộ. Hết năm 2022, toàn tỉnh có 24 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó, 12 sản phẩm cây ăn quả. Nhiều doanh nghiệp, HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả đã chủ động tham gia các chương trình tập huấn hỗ trợ thương mại điện tử do tỉnh tổ chức. Công tác xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa, nhất là sản phẩm quả được đẩy mạnh, bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến với thị trường trong và ngoài nước; các chương trình livestream, chương trình bán hàng online, kết nối qua zalo, Facebook...; ứng dụng và phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử lớn có uy tín trong và ngoài nước như sendo, shopee, lazada, alibaba, voso...
Đến nay, sản phẩm cây ăn quả của tỉnh được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Năm 2022, các sản phẩm cây ăn quả đã xuất khẩu sang thị trường các nước, với sản lượng là 18.608 tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 25,26 triệu USD.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, viễn thông triển khai các hoạt động thương mại điện tử hạn chế về hạ tầng số; thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn. Phần lớn các trang thương mại điện tử của tỉnh mới chỉ dừng lại ở hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thiếu các dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng. Công tác phối hợp quản lý hoạt động kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử, nhất là quản lý chất lượng sản phẩm cây ăn quả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Các đại biểu đã tập trung tham luận về công tác chỉ đạo tuyên truyền triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về ứng dụng thương mại điện tử trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản; những vấn đề đặt ra trong việc ứng dụng thương mại điện tử để kết nối tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho doanh nghiệp, HTX trên địa bàn; giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả…. ứng dụng công nghệ GIS trong việc quản lý vùng trồng và kết nối tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của các doanh nghiệp trên địa bàn…
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu. Trên cơ sở đó, tham vấn với UBND, các sở, ngành chức năng về các giải pháp mang tính tổng hợp để từng bước phát triển kinh tế số, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV đã đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!