Sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản của tỉnh do Viễn thông Sơn La thực hiện đã hoàn thiện các chức năng. Đến nay, hơn 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, với hơn 1.000 sản phẩm được đưa lên quảng bá trên Sàn giao dịch, bước đầu nhận được đánh giá tích cực từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Toàn tỉnh có trên 29.000 ha cây công nghiệp lâu năm; trên 80.000 ha cây ăn quả các loại, đứng đầu các tỉnh phía Bắc và thứ 2 cả nước, trong đó chủ yếu là xoài, nhãn, mận, quả có múi, chanh leo, bơ, dâu tây… Bên cạnh đó, các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản phát triển mạnh mẽ… Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương đạt trên 21.500 ha. Các sản phẩm nông sản tươi, nông sản chế biến của tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng về mẫu mã. Hết năm 2021, toàn tỉnh có 83 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP; 28 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và nhiều sản phẩm đặc sản mang đặc trưng riêng của các địa phương.
VNPT Sơn La cập nhật thông tin các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất lên Sàn giao dịch.
Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Chủ động tham gia, bắt kịp tốc độ phát triển thương mại điện tử trong nước, tỉnh Sơn La triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử. UBND tỉnh đã giao các sở, ngành phối hợp với VNPT Sơn La xây dựng thí điểm Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La.
Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản tỉnh Sơn La khai trương, đi vào hoạt động thí điểm từ trung tuần tháng 5/2022. Được đánh giá là kênh tiêu thụ mới, giúp xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản an toàn của tỉnh Sơn La. Sàn giao dịch được bảo vệ bởi chứng thư số SSL (Secure Sockets Layer) - là tiêu chuẩn công nghệ bảo mật trên môi trường internet an toàn nhất hiện nay, với tên miền truy cập chính là sannongsansonla.vn.
Sản phẩm xoài được trồng theo quy trình VietGAP và sử dụng phân bón hữu cơ đạt chất lượng xuất khẩu của xã Mường Bú, huyện Mường La.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế lòng hồ thủy điện Sơn La, với nhiều loại cá đặc sản, chị Đào Thị Hiếu, chủ cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản Quỳnh Nhai, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai đã nghiên cứu, chế biến thành công, đưa ra thị trường các dòng sản phẩm từ cá sông, chủ lực là chả cá và xúc xích cá. Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất, cung ứng 20-25 kg chả cá, xúc xích cá cho các bạn hàng trên địa bàn tỉnh. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, khẳng định thương hiệu, tăng bạn hàng trong nước, chị đã tham gia đưa sản phẩm lên Sàn giao dịch để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Chị Hiếu chia sẻ: Qua tìm hiểu thấy các sản phẩm được đưa lên Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản tỉnh Sơn La là những sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, được cơ quan quản lý Nhà nước xác nhận. Mỗi sản phẩm đều có thông tin đầy đủ nguồn gốc xuất xứ, số điện thoại liên hệ, địa chỉ email, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm. Người tiêu dùng có thể nhận xét, đánh giá để doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và các cơ quan quản lý Nhà nước nắm được chất lượng sản phẩm. Khi người tiêu dùng có nhu cầu mua bán sản phẩm, quá trình giao dịch được thực hiện từng bước trên hệ thống... giúp người tiêu dùng nắm bắt đầy đủ thông tin sản phẩm an toàn, góp phần đẩy lùi những nông sản không rõ nguồn gốc.
Còn HTX Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, là HTX chuyên canh cây ăn quả chất lượng cao của tỉnh, trong đó thanh long ruột đỏ là sản phẩm chủ lực với quy mô 215 ha thanh long, sản lượng niên vụ 2022 dự kiến khoảng gần 3.000 tấn quả, tăng 1.000 tấn so với năm 2021. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX, khẳng định: Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và sàn giao dịch là hình thức quảng bá sản phẩm hiện đại, phù hợp xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các doanh nghiệp, HTX không muốn bỏ lại phía sau, cần chủ động thực hiện.
Cán bộ VNPT Sơn La hướng dẫn HTX cài đặt, cập nhật thông tin sản phẩm lên Sàn giao dịch.
Sau hơn 3 tháng thí điểm, VNPT Sơn La - cơ quan quản lý Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện chức năng của Sàn giao dịch; phối hợp với Sở Công Thương tổng hợp thông tin về sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản đã qua chế biến; doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh để đưa dữ liệu lên Sàn giao dịch.
Bên cạnh đó, VNPT Sơn La phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành việc xác định, sử dụng tên miền trong quá trình xây dựng, triển khai thí điểm các giai đoạn vận hành đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh. Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức chương trình khai trương, giới thiệu về Sàn giao dịch kết hợp với Hội nghị trực tuyến kết nối, tiêu thụ sản phẩm xoài và nông sản của tỉnh Sơn La năm 2022; tổ chức chương trình triển khai tập huấn cho đơn vị quản lý, vận hành, khai thác hệ thống và các doanh nghiệp, HTX để vận hành thử nghiệm hệ thống Sàn giao dịch.
Người dân xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ thu hái nhãn.
Ông Trần Thanh Tùng, Phó Giám đốc Viễn thông Sơn La, thông tin: Thời gian tới, ngoài việc chịu trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn, bổ sung điều chỉnh thêm các tính năng của Sàn giao dịch theo yêu cầu của tỉnh, VNPT Sơn La đề xuất Sở Công Thương tham mưu với UBND tỉnh ban hành quy trình hoạt động, bổ sung nguồn lực, phân công nhiệm vụ quản lý vận hành tại các đầu mối liên quan: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố; các doanh nghiệp, HTX… Đồng thời, phối hợp với Viễn thông Sơn La đào tạo, hướng dẫn vận hành, khai thác sâu hơn nữa đội ngũ cán bộ được phân công trong các khâu quản lý trên Sàn giao dịch; đào tạo, sử dụng thuần thục cho HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân… trong việc sử dụng, khai thác Sàn giao dịch. Sở Công Thương chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh nghiên cứu bổ sung tính năng giao dịch điện tử thông qua việc liên thông, liên kết các ngân hàng, các đơn vị cung cấp kết nối thanh toán điện tử; bổ sung cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc, từ đó phát huy giá trị Sàn giao dịch, đáp ứng nhu cầu giao thương nông sản cho tỉnh.
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp được tỉnh Sơn La xác định là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, thực hiện với quyết tâm cao. Việc triển khai thí điểm Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ này, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ, kết nối quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!