Sau một tháng triển khai mô hình thí điểm lớp học thông minh tại Trường THCS Nguyễn Trãi, Thành phố, bước đầu được giáo viên và học sinh đánh giá tích cực, giúp các giờ học thêm sinh động, hiệu quả, tăng kỹ năng tương tác đa chiều giữa giáo viên với học sinh và học sinh với học sinh.
Mô hình lớp học thông minh được triển khai xây dựng bằng hình thức xã hội hóa, được trang bị các thiết bị hiện đại, phục vụ công tác dạy và học, như: Bảng tương tác thông minh, máy chiếu, hệ thống âm thanh, máy tính cá nhân, phần mềm dạy học và quản lý lớp học... Tất cả các thiết bị đều được kết nối, tích hợp đầy đủ các dữ liệu cần thiết, như: Sách giáo khoa điện tử, giáo trình điện tử bộ môn theo đúng chuẩn của Bộ Giáo dục và đào tạo, kho học liệu số... giúp tăng khả năng tương tác trực tuyến và trực tiếp giữa giáo viên và học sinh.
Lớp học thông minh tại Trường THCS Nguyễn Trãi đang được áp dụng đối với tất cả các môn học văn hóa của học sinh khối lớp 7. Các tiết học trực tuyến hay trực tiếp đều diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, với máy tính xách tay kết nối với hệ thống dữ liệu lớp học, học sinh được tham gia tương tác với giáo viên.
Em Nguyễn Hải Châu, học sinh lớp 7A5, hào hứng: Lớp học thông minh sinh động, khác hoàn toàn với các tiết học ở lớp học truyền thống. Điều thú vị nhất là, thay vì cô hỏi và trò trả lời như các lớp học truyền thống, thì tất cả các bạn trong lớp liên tục được tham gia trả lời các câu hỏi trên máy tính cá nhân, chúng em thích thú lắng nghe bài giảng hơn, cạnh tranh nhau để trả lời câu hỏi, giải bài tập đạt kết quả cao nhất.
Khai thác và sử dụng thiết bị số hiện đại của lớp học thông minh vào công tác giảng dạy, giáo viên các bộ môn đã chủ động tiếp thu hướng dẫn sử dụng từ nhà cung cấp và nghiên cứu ứng dụng các phần mềm khác để tích hợp phục vụ giảng dạy thêm sinh động, đa dạng, kích thích trí tưởng tượng và tăng cường sự giao tiếp giữa giáo viên và học sinh.
Cô giáo Đoàn Minh Hà, giáo viên bộ môn Toán, cho biết: Những thiết bị trong lớp học thông minh, đặc biệt là bảng tương tác thông minh đã bổ trợ rất nhiều cho giáo viên trong quá trình giảng dạy phần hình học không gian. Trong giờ học, giáo viên tích hợp thêm các ứng dụng, phần mềm công nghệ thông tin, video, hình ảnh với góc nhìn 360 độ, biên soạn và phân phát tài liệu số, phiếu bài tập trực tiếp qua máy tính cá nhân cho từng học sinh. Việc đánh giá học sinh khách quan, thực chất qua các phiếu bài tập học sinh hoàn thành, kết quả đánh giá sẽ chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của học sinh, từ đó giáo viên chủ động điều chỉnh phương pháp giáo dục, bù đắp kiến thức còn thiếu phù hợp cho học sinh.
Các bài giảng của giáo viên tại mô hình phòng học thông minh đã khai thác hình ảnh, video, các thí nghiệm ảo và sử dụng các phần mềm bổ trợ khác để giảng dạy. Sử dụng được nhiều phương pháp dạy học tích cực do các thiết bị thông minh mang lại, như: phương pháp làm việc cá nhân, làm việc nhóm, thuyết giảng kết hợp với trải nghiệm thực tế gián tiếp do công nghệ mang lại... đã tạo cho học sinh hứng thú với tiết học; rèn luyện các kỹ năng học tập theo nhóm hiệu quả cao hơn.
Việc dạy và học theo cách tiếp cận mới mà lớp học thông minh giúp cải thiện sự tập trung, kích thích khả năng tư duy, say mê khám phá của học sinh. Mô hình này được kỳ vọng tạo những đột phá trong giáo dục đào tạo, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục căn bản, toàn diện. Năm học 2023-2024, Thành phố tiếp tục huy động xã hội hóa để nhân rộng mô hình lớp học thông minh tại một số trường khác trên địa bàn. Đồng thời, vận động, tạo điều kiện để giáo viên nâng cao năng lực, khai thác thêm các phần mềm tiên tiến áp dụng vào giảng dạy, hỗ trợ phát triển kỹ năng học tập của học sinh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!