Chuyển đổi số trong doanh nghiệp dịch vụ du lịch 

Bắt nhịp xu hướng đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch của tỉnh nói riêng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động điều hành, quản trị doanh nghiệp và quảng bá, giới thiệu, kinh doanh dịch vụ du lịch.

Đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số

Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tỷ lệ khách du lịch trong nước đặt phòng khách sạn và đặt tour trực tuyến đạt hơn 60%; tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%. Theo khảo sát khác với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, có tới 71% số du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam.

Tại tỉnh Sơn La, khoa học công nghệ đã và đang góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, kết nối điểm đến với du khách trong và ngoài nước. Du khách dễ dàng tiếp cận các thông tin, địa điểm du lịch, khu vui chơi, giá cả dịch vụ… tại các trang web, ứng dụng, mạng xã hội phổ biến.

Ông Hoàng Chí Thức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, cho biết: Hiệp hội Du lịch tỉnh có 6 chi hội trực thuộc, với 217 hội viên, trong đó có 38 hội viên kinh doanh khách sạn, 51 nhà nghỉ, homestay, 23 nhà hàng, 34 cá nhân và 24 doanh nghiệp khác. Hầu hết các doanh nghiệp tùy theo loại hình và quy mô hoạt động đã chú trọng đầu tư về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị; nhất là giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch của doanh nghiệp.

Hiệp hội Du lịch tỉnh đã hỗ trợ thông tin, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp. Hiệp hội lập website và đăng tải các văn bản chỉ đạo, thông tin các hoạt động du lịch của tỉnh, các chi hội, doanh nghiệp hội viên. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về chuyển đổi số trong du lịch.

Du khách checkin tại cầu kính Bạch Long, huyện Mộc Châu

Tùy theo mô hình, điều kiện, mỗi doanh nghiệp đã lựa chọn hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp, trong đó, hình thức cung cấp thông tin du lịch thông qua các hệ thống website, cổng thông tin, trang thông tin điện tử, báo điện tử, facebook, zalo… được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Bên cạnh đó, các website cũng được tích hợp nhiều tính năng tiện ích, đa dạng hỗ trợ các hoạt động du lịch, như: Bản đồ du lịch điện tử, chức năng booking, online, thanh toán trực tuyến, tư vấn trực tuyến, chăm sóc khách hàng trực tuyến, các chức năng quy đổi tiền tệ, dự báo thời tiết… khách du lịch có thể dễ dàng tra cứu, tìm kiếm thông tin, điểm đến, khách sạn tại Sơn La.

Lợi ích từ chuyển đổi số

Cùng gia đình trải nghiệm tại khu du lịch quốc gia Mộc Châu, chị Nguyễn Khánh Huyền, du khách đến từ Thủ đô Hà Nội, chia sẻ: Hiện nay, việc tiếp cận các thông tin về du lịch ở Sơn La khá thuận tiện. Chỉ cần đánh từ khóa “Chơi gì tại Sơn La”, “Địa điểm du lịch tại Sơn La”... là một loạt thông tin hiện ra để tham khảo lựa chọn tour, tuyến, lịch trình, giá cả. Nhân viên tư vấn trực tuyến hướng dẫn lựa chọn tour, tuyến phù hợp. 

Anh Đinh Hồng Phúc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Pha Luông Mộc Châu, cho biết: Công ty đã ứng dụng phần mền quản trị doanh nghiệp, lập trang website với địa chỉ: http://phaluongmocchau.com; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch trên các nền tảng facebook, zalo; thành lập bộ phận tư vấn khách hàng online, giúp du khách trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu thông tin về những điểm đến, tour du lịch trước khi đến. Hiện nay, tỷ lệ khách hàng đặt tour trực tuyến chiếm khoảng 40% số đơn hàng; tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt 65%. Quý I năm 2023, Công ty đón trên 22.000 lượt khách du lịch, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.

Bộ phận tư vấn online của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Lâm Huy.

Theo anh Nguyễn Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Lâm Huy, thành phố Sơn La, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin để giới thiệu, quảng bá tour, tuyến du lịch đối với Hoạt động lĩnh vực lữ hành là rất cần thiết. Hiện nay, Công ty đã lập trang web www.lamhuytravel.com để thu hút và giúp khách hàng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm và đặt tour. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp việc điều hành công việc thuận tiện, linh động không bị giới hạn khoảng cách, thời gian. Quan trọng hơn là giúp giảm chi phí về trụ sở, con người, công tác văn phòng và thủ tục hành chính, từ đó chi phí dịch vụ cũng được giảm và cả doanh nghiệp lẫn khách hàng đều được hưởng lợi.  

Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Lâm Huy đảm bảo phương tiện phục vụ du khách trải nghiệm các tour, tuyến nội, ngoại tỉnh.

Doanh nghiệp đi trước đón đầu

Tuy nhiên, chưa nhiều đơn vị chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, điều hành công ty và quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Nguyên nhân do các doanh nghiệp du lịch tại Sơn La chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, khả năng tài chính chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao. Bên cạnh đó, thị trường du lịch trực tuyến chưa phát triển. Theo điều tra, khảo sát, không nhiều doanh nghiệp du lịch Sơn La hợp tác, đăng ký sử dụng dịch vụ của các bên cung cấp trên.

Ông Hoàng Chí Thức khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số càng nhanh càng tốt, ai đi trước sẽ có nhiều cơ hội thành công. Do đó, ngành du lịch cần đi trước đón đầu, tận dụng hạ tầng công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin, phần mềm để quản lý, khai thác các giải pháp bán hàng trực tuyến, đặt vé, khách sạn, nhà hàng, giới thiệu các điểm đến, số hóa du lịch…

Trong điều kiện doanh nghiệp Sơn La chủ yếu là nhỏ, nên đầu tư cũng cần tính toán ưu tiên xây dựng những sản phẩm công nghệ đơn giản dễ áp dụng, ứng dụng trong thực tiễn như: Tiện ích tra cứu thông tin nhanh điểm đến, đặt phòng, giá cả dịch vụ, du lịch trải nghiệm bằng công nghệ cao. 

Còn anh Đinh Hồng Phúc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Pha Luông Mộc Châu, cho rằng: Ngành du lịch cần sơm xây dựng hệ sinh thái vận hành ngành dịch vụ, khách sạn trên nền tảng số, giúp giám sát, quản lý, vận hành kinh doanh thuận lợi, tiết kiệm nhân lực, thời gian, chi phí. Đồng thời, cần đưa các thiết bị thông minh, hiện đại để quản lý, giúp khách hàng và doanh nghiệp có sự tương tác, tăng hiệu quả.

Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch bứt phá chuyển đổi số, Hiệp hội Du lịch tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh, các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức doanh nghiệp về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn áp dụng khoa học công nghệ vào kinh doanh du lịch. Hướng tới 100% số doanh nghiệp sử dụng website, thực hiện các giao dịch thương mại điện tử trong quảng bá hình ảnh. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán các giao dịch bằng hình thức không dùng tiền mặt; cung cấp thông tin số liệu, báo cáo thống kê hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng cho các cơ quan quản lý Nhà nước, góp phần xây dựng nền tảng số về quản trị và kinh doanh du lịch của tỉnh ngày càng ưu việt và hiệu quả.

 

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới