Áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo dạy và học, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, đó là nhiệm vụ mà ngành Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số, góp phần phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành GD&ĐT đã thành lập ban chỉ đạo; bố trí cán bộ chuyên trách, phụ trách về công nghệ thông tin; tập trung chuyển đổi số về ứng dụng công nghệ trong lớp học, quản lý giáo dục và phương pháp giảng dạy. Tổ chức các chuyên đề cấp tỉnh, cấp huyện, cụm trường và trường về triển khai công tác chuyển đổi số.
Hiện nay, Sở GD&ĐT đã triển khai phần mềm quản lý điều hành văn phòng điện tử (VNPT-ioffice) kết nối các phòng GD&ĐT với Sở GD&ĐT và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, phục vụ trao đổi thông tin, văn bản chỉ đạo, quản lý điều hành trên môi trường mạng. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong kiểm định chất lượng giáo dục bằng hình thức quản lý khai báo trực tuyến; sử dụng học bạ điện tử qua hệ thống SMAS, VNEDU; 100% các trường THPT sử dụng học bạ điện tử. Đặc biệt, Sở áp dụng hiệu quả sáng kiến cấp tỉnh “Xây dựng IMS - Hệ thống quản lý tích hợp QMS ISO 9001:2015 và EOMS ISO 21001:2018 để nâng cao chất lượng quản lý giáo dục tại đơn vị” đã được UBND tỉnh công nhận và cấp giấy chứng nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến trên phạm vi toàn tỉnh, toàn quốc.
Thực hiện chuyển đổi số, cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Những bài giảng từ giáo án điện tử, máy chiếu, phòng học thông minh, hình ảnh video sinh động ở các môn học như toán, sinh học, hóa học, lịch sử, địa lý, GDCD... đã tạo sự hấp dẫn, tư duy nhiều chiều trước một vấn đề cho cả giáo viên và học sinh. Hiện nay, 100% số trường THPT; 82% số trường THCS, TH&THCS; 87% số trường tiểu học được trang bị phòng học máy tính có kết nối internet phục vụ dạy và học. 100% các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, phổ thông dân tộc nội trú thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo bằng hình thức trực tuyến, được cấp chữ ký số, thanh toán không dùng tiền mặt...
Bên cạnh đó, ngành đã thành lập tổ công tác tham mưu xây dựng mô hình phòng học thông minh; lựa chọn Trường THPT Chuyên Sơn La và THPT Tô Hiệu, Thành phố triển khai thí điểm mô hình. Trong đó, áp dụng mỗi phòng học có 1 laptop dành cho giáo viên; hệ thống Wifi, camera giám sát hai chiều; bảng tương tác; máy tính bảng cho học sinh; phần mềm giải pháp giáo dục thông minh Smart Edu. Ngoài ra, Thành phố cũng đã triển khai mô hình tại Trường THCS Nguyễn Trãi; các huyện Mộc Châu, Sông Mã, Phù Yên đã học tập kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch triển khai.
Hiện nay, 100% các thủ tục cải cách hành chính của Sở Giáo dục và Đào tạo được cập nhật đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của ngành, Cổng dịch vụ công của tỉnh. Quy trình giải quyết các TTHC được điện tử hóa và cập nhật công khai trên cổng dịch vụ công của tỉnh. Nhờ vậy, các giao dịch hành chính đều được bảo đảm đúng quy trình, quy định, tiến độ thời gian. Từ đầu năm đến nay, Sở GD&ĐT tiếp nhận 212 hồ sơ, trong đó, đã giải quyết 100%.
Với quyết tâm cao của toàn ngành và sự hỗ trợ, định hướng, đồng hành của các cấp, các ngành, cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh, mục tiêu chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT tỉnh sẽ được triển khai hiệu quả, từng bước đổi mới toàn diện, hiệu quả, góp phần triển khai thành công chương trình chuyển đổi số của tỉnh, của quốc gia.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!