Chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu đối với sự phát triển trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Bắt nhịp với nó, cộng đồng doanh nghiệp Sơn La đã và đang tiếp cận ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Liên kết, hỗ trợ chuyển đổi số
Thực hiện Kế hoạch 251/KH-UBND của UBND tỉnh về chuyển đổi số, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai đến tất cả các chi hội doanh nghiệp huyện, thành phố và các tổ chức thành viên. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, ngành chức năng, Viễn thông Sơn La tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ, đào tạo đội ngũ cán bộ ngoài doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực, gồm: Quản trị doanh nghiệp, đào tạo lao động, tiếp cận thị trường. Qua rà soát của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, có trên 80% doanh nghiệp hội viên đã xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng các giải pháp phần mềm sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán, tài chính; sử dụng nền tảng thương mại điện tử phục vụ bán hàng, tiếp thị trực tuyến, xuất, nhập khẩu. Các doanh nghiệp cử cán bộ, nhất là đội ngũ quản trị doanh nghiệp tham gia tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về chuyển đổi số do VNPT Sơn La, Sở Thông tin và Truyền thông và các huyện, thành phố tổ chức. Qua đó, tạo bước chuyển tích cực, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
VNPT vừa là nhà cung cấp hạ tầng, vừa là đơn vị sáng tạo giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Thương hiệu chuyển đổi số của VNPT giờ đây chính là hệ sinh thái, nền tảng công nghệ cao, như: AI, IoT, Big Data, BlockChain... giải quyết các bài toán chuyển đổi số cụ thể trên tất cả các lĩnh vực.
Ông Bùi Việt Hoàng, Giám đốc VNPT Sơn La, chia sẻ: Đồng hành cùng doanh nghiệp. VNPT Sơn La triển khai những chính sách hỗ trợ các gói cước ưu đãi, cùng nhiều giải pháp nền tảng công nghệ hiệu quả. Với hệ sinh thái OneSME đa dạng về giải pháp tích hợp, như hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, phần mềm kế toán, chữ ký số... Đến nay, VNPT đã cung cấp trên 4.500 chữ ký số VNPT CA, VNPT SmartCA cho các cá nhân và doanh nghiệp; trên 1.200 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, HKD.
Ngoài ra, VNPT Sơn La còn tham mưu cho UBND tỉnh đẩy nhanh triển khai Trung tâm điều hành thông minh IOC của tỉnh và hệ thống dịch vụ giải quyết thủ tục hành chính công một cửa điện tử, kết nối liên thông với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Văn phòng Chính phủ; thí điểm Sàn giao dịch truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La... Năm 2022, doanh thu tăng trưởng 5,4% so với năm 2021, nộp ngân sách Nhà nước hơn 10 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động tăng 5% so với năm 2021.
Tiên phong chuyển đổi số
Trong hành trình xây dựng ngân hàng số, định danh khách hàng điện tử (eKYC), BIDV triển khai thành công tính năng mở tài khoản và đăng ký dịch vụ bằng phương thức eKYC trên ứng dụng SmartBanking đã hỗ trợ khách hàng đăng ký mở mới tài khoản trực tuyến ngay trên BIDV SmartBanking mọi nơi, mọi lúc, không phải mất thời gian tới quầy giao dịch.
Dịch vụ ngân hàng số thế hệ mới BIDV SmartBanking dành cho khách hàng cá nhân, sản phẩm được trao giải Sao Khuê 2022. Với đối tượng khách hàng tổ chức, BIDV cũng sở hữu Ommi BIDV iBank, đây là hệ thống ngân hàng số đa kênh dành cho tất cả khách hàng tổ chức, với trải nghiệm đồng nhất và liền mạch trên cả 2 nền tảng: máy tính cá nhân và thiết bị di động cá nhân. Năm 2021, BIDV Chi nhánh Sơn La triển khai thành công sản phẩm Quickloan (cho vay tín chấp) trên ứng dụng BIDV Smart Banking và là ngân hàng tiên phong trong nhóm Big4 đưa sản phẩm tín dụng lên kênh số.
Chị Nguyễn Thị Hồng, tổ 9, phường Chiềng Lề, chia sẻ: Hiện nay, ứng dụng Smartbanking của BIDV mới được nâng cấp, có thêm nhiều tiện ích, dễ sử dụng hơn giao diện cũ. Máy E-zone tự phục vụ, cho phép khách hàng tự thực hiện các giao dịch như: Nộp tiền, rút tiền, gửi tiết kiệm, chuyển tiền, đăng ký mở tài khoản và nhiều tính năng khác của E-banking. Tôi hài lòng khi sử dụng dịch vụ của BIDV Chi nhánh Sơn La.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc BIDV Chi nhánh Sơn La, chia sẻ: Đơn vị tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị máy móc hiện đại cũng như phần mềm hệ thống an toàn, bảo mật thông tin. Năm 2023, phương châm của BIDV Sơn La là chuyển đổi số hóa toàn diện từ mô hình tổ chức, con người, quy trình; thực hiện tự động hóa một số quy trình, giảm thời gian chờ đợi khách hàng. Phấn đấu cuối năm, BIDV có trên 120.000 nghìn khách hàng cá nhân
Với doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản nói chung và cà phê nói riêng, việc chuyển đổi số được doanh nghiệp chú trọng, tiếp cận nhanh. Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La đã và đang đẩy mạnh ứng dụng số trong quản trị, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Niên vụ 2022-2023, Công ty thu mua được 13.000 tấn quả cà phê tươi, thu mua khoảng 4.000 tấn cà phê thóc. Với khối lượng công việc lớn, giúp lãnh đạo Công ty điều hành công việc thuận tiện, đơn vị đã ứng dụng công nghệ trong quản lý và tích hợp phần mềm vào điện thoại, vi tính cá nhân để lãnh đạo có thể chỉ đạo công việc mọi lúc, mọi nơi.
Hiện nay, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La không chỉ đưa sản phẩm quảng bá qua mạng xã hội Zalo, Facebook, còn thành lập sàn thương mại điện tử (TMĐT) Kphucsinh.vn; đưa sản phẩm lên sàn TMĐT trong nước và lên sàn TMĐT quốc tế, như: Agritrade, Alibaba. Anh Vũ Văn Hợp, Phòng Hành chính nhân sự, chia sẻ: Sau hơn 1 tháng đưa sản phẩm cà phê lên sàn TMĐT Alibaba, Công ty nhận được 60 lượt đề nghị báo giá, thông tin sản phẩm. Công ty đã thành lập một bộ phận chăm sóc khách hàng online để hỗ trợ trực tiếp khách hàng, giúp khách hàng tiếp cận thông tin nhanh chóng. Việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, doanh số bán hàng của công ty tăng 40% so với trước đây.
Chuyển đổi số từ nhận thức
Mỗi doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực khác nhau sẽ có lựa chọn giải pháp chuyển đổi số phù hợp với điều kiện, lĩnh vực hoạt động của mình. Từ đó, chuyển đổi số đã và đang được doanh nghiệp chú trọng, triển khai.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thông tin thêm: Qua công tác chỉ đạo năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, nhận thấy việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo các doanh nghiệp trong chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Hiệp hội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố, đặc biệt là Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT Sơn La mở các lớp đào tạo tập huấn, hỗ trợ những nội dung phù hợp với yêu cầu các doanh nghiệp để đạt hiệu quả tích cực nhất.
Cũng theo ông Bùi Việt Hoàng, Giám đốc VNPT Sơn La, việc chuyển đổi số chính là chuyển đổi về cách làm và quan trọng nhất là lãnh đạo doanh nghiệp phải tiên phong đi đầu. Năm 2023, VNPT Sơn La và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ ký thỏa thuận hợp tác triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tập trung phát triển mạng di động 4G, 5G, mạng internet băng rộng, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là lộ trình dài hơi, ngoài việc tuyên truyền thay đổi nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì việc huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực cũng đang đặt ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, khi hầu hết doanh nghiệp của tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ. Tuy nhiên, với sự đồng hành, hỗ trợ của các sở, ban ngành, các huyện, thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh năm 2023 được kỳ vọng là năm bùng nổ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, góp phần tối ưu bộ máy vận hành, quản trị của doanh nghiệp, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hiệu quả, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!