Đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ bưu điện - văn hóa xã

Thực hiện đề án bưu điện – văn hóa xã gắn kết với hoạt động cộng đồng, những năm qua, Bưu điện tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ nhân dân từ thành phố đến các bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Giọng nữ
Bưu điện - Văn hóa xã Mường Sang, huyện Mộc Châu.

Đổi mới toàn diện hoạt động 

Trước đây, bưu điện - văn hóa xã đơn thuần là điểm cung cấp các dịch vụ bưu chính truyền thống, là nơi đọc sách báo miễn phí; hình ảnh nhận diện thương hiệu điểm bưu điện - văn hóa xã hiện đại, đa dịch vụ chưa bao phủ rộng đến khách hàng. 

Từ năm 2017 đến nay, Bưu điện tỉnh tập trung thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BĐVN ngày 8/4/2017 của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bưu điện - văn hóa xã; Chỉ thị số 03/CT-BĐVN ngày 15/6/2023 của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về xây dựng và phát triển bưu điện - văn hóa xã trong thời kỳ mới. Theo đó, xây dựng hệ thống bưu điện - văn hóa xã đóng vai trò là hạt nhân quan trọng trong sự phát triển của Bưu điện Việt Nam, dần chuyển dịch kinh doanh về địa bàn xã theo mô hình kết nối O2O (kết hợp của các kênh Online và Offline).

Bưu điện tỉnh đã chỉ đạo tạo bước ngoặt đổi mới toàn diện, đẩy mạnh các hoạt động tại bưu điện – văn hóa xã phù hợp với quá trình chuyển đổi số và đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, nâng cao năng lực phục vụ. Không chỉ đưa thông tin, truyền thông về nông thôn, phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của người dân, bưu điện - văn hóa xã còn là nơi cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, là địa chỉ uy tín cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu đến nhân dân trên địa bàn.

Ông Phùng Thế Hùng, Giám đốc Bưu điện tỉnh, cho biết: Bưu điện tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, từng bước tháo gỡ khó khăn, chú trọng phát triển kinh doanh, mở rộng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác cung ứng các dịch vụ, phục hồi hoạt động các điểm bưu điện – văn hóa xã. Đến nay, toàn tỉnh có 179 điểm bưu điện - văn hóa xã; đạt 100% các xã có điểm bưu chính có người phục vụ. Các điểm được đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây mới, trang bị công cụ, dụng cụ, tạo diện mạo khang trang và cung cấp đa dạng dịch vụ phục vụ khách hàng. Doanh thu tăng trưởng bình quân 12% mỗi năm; doanh thu bình quân điểm bán đạt 12,2 triệu đồng/điểm/tháng. 

Chương trình đào tạo phát triển bưu điện - văn hóa xã thời kỳ mới và quy trình cung cấp dịch vụ online tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã. 

Cung cấp đa dịch vụ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đảm bảo 100% các xã có điểm bưu chính có người phục vụ và cung cấp đa dịch vụ. Tập trung chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện, chuyển phát nhanh, chuyển phát thương mại điện tử, hành chính công, phát hành báo chí, dịch vụ an sinh xã hội; chi trả lương hưu, chi trả cho người có công, chi trả bảo trợ xã hội và một số dịch vụ bán lẻ.

Bên cạnh đó, bưu điện - văn hóa xã còn là trung tâm thông tin, truyền thông cộng đồng, thường xuyên cập nhật mới các tài liệu sách, báo, tạp chí, văn kiện chính thống về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có hệ thống truyền thông cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0 và còn là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.

Thực hiện Đề án “Phát triển bưu điện – văn hóa xã gắn kết với hoạt động cộng đồng”, điểm bưu điện - văn hóa xã đã phát huy lợi thế nằm ở vị trí trung tâm, thực hiện phát triển kinh doanh đa dịch vụ; tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” và phát triển mô hình “Cửa hàng Postmart”, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, phục vụ tại địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, mang hàng Việt về nông thôn thực hiện hiệu quả chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Người dân đến mua hàng tại Bưu điện - Văn hóa xã Tô Múa, huyện Vân Hồ. 

Là trưởng điểm mô hình cấp thứ 4 tiêu biểu, Bưu điện - Văn hóa xã Tô Múa, huyện Vân Hồ, trung bình mỗi ngày tiếp nhận hàng chục đơn hàng và đông đảo nhân dân đến mua sắm đồ dùng thiết yếu. Bà Hà Thị Ương, nhân viên Bưu điện - Văn hóa xã Tô Múa, cho biết: Trước đây, tôi vừa phát hàng vừa trực điểm. Bây giờ, điểm đã được bố trí thêm một nhân viên phát hàng tại xã và được đầu tư sửa chữa lại cơ sở hạ tầng, trang bị một số máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thực hiện cung cấp đa dịch vụ. Chúng tôi cũng nâng cao kỹ năng bán hàng, sử dụng thành thạo các công cụ phục vụ công tác bán hàng. Hiện nay, doanh thu bình quân đạt trên 100 triệu đồng/tháng. Có lúc cao điểm, ngày thu tiền điện hoặc ngày chi trả lương hưu phục vụ hàng trăm lượt khách đến giao dịch.

Ông Lường Văn Trang, bản Mến, xã Tô Múa, chia sẻ: Bưu điện - Văn hóa xã giờ rất năng động, từ gửi thư, gửi hàng đến các dịch vụ bảo hiểm, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và bán hàng hóa tiêu dùng thường ngày. Tất cả đều là những dịch vụ thiết thực, phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Bưu điện - Văn hóa xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tiếp nhận thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe cho nhân dân trên địa bàn xã. 

Bưu điện - Văn hóa xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên, nhiều năm nay là địa chỉ tin cậy, quen thuộc của nhân dân trên địa bàn và vùng lân cận. Chị Quàng Thị Tuyết, nhân viên Bưu điện - Văn hóa xã Mường Khoa, cho biết: Thực hiện mô hình bưu điện - văn hóa xã đa dịch vụ, đơn vị đã từng bước thay đổi nâng cấp dịch vụ, không chỉ cung cấp dịch vụ bưu chính mà còn thực hiện nhiều dịch vụ khác. Từ khi có gian hàng với nhiều sản phẩm, nhân dân đến Bưu điện - Văn hóa xã đông hơn, mua được các mặt hàng tiêu dùng chất lượng cao, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tôi còn đảm nhận nhiệm vụ là nhân viên thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình theo hợp đồng đã ký kết giữa Bưu điện tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh, thực hiện vận động, nhân dân tham gia bảo hiểm. Năm 2023, đã phát triển mới bảo hiểm y tế hộ gia đình cho 835 người.

Đến mua hàng tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã Mường Khoa, bà Lừ Thị Giang, bản Khoa, chia sẻ: Trước đây, chỉ khi nào gửi hàng hóa tôi mới đến điểm bưu điện - văn hóa xã hoặc muốn chuyển tiền cho con đi học thì phải ra tận trung tâm huyện, giờ đây, tôi chỉ cần đến bưu điện - văn hóa xã là được. Ở đây, còn có gian hàng tạp hóa, mua hàng ở đây rất yên tâm, không lo hàng giả,  hàng nhái.

Xây dựng bưu điện - văn hóa xã gần gũi, thân thiện, hữu ích

Năm 2024, Bưu điện tỉnh đang triển khai cải tạo, sửa chữa 16 điểm bưu điện - văn hóa xã; vận hành, duy trì 100% các xã có điểm bưu chính, có người phục vụ. Phấn đấu đến năm 2026, cơ bản hoàn thành cải tạo, sửa chữa các điểm bưu điện - văn hóa xã, theo hướng hiện đại, thân thiện, tạo nhận diện thương hiệu tốt đối với khách hàng.

Bưu điện - Văn hóa xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu được xây dựng khang trang.

Ông Phùng Thế Hùng, Giám đốc Bưu điện tỉnh, cho biết thêm: Bưu điện tỉnh Sơn La đang phấn đấu xây dựng điểm bưu điện - văn hóa xã gần gũi, thân thiện, hữu ích cho người dân, là “cánh tay nối dài” của các cơ quan Nhà nước để tham gia tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Bưu điện tỉnh đã tiến hành rà soát tất cả các điểm bưu điện - văn hóa xã, nâng cấp đầu tư trang bị, các loại máy móc cần thiết, như: Bàn quầy giao dịch, tủ đựng sách báo, bàn ghế, máy tính, máy in… 

Tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bưu điện - văn hóa xã theo hướng hiện đại hóa, hướng tới là điểm hướng dẫn, phục vụ nhân dân thực hiện các dịch vụ công với cơ quan Nhà nước, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho người dân vùng sâu, vùng xa… Các điểm bưu điện – văn hóa xã trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được sự thiết thực, tiện ích, đa dịch vụ gắn với địa bàn nông thôn.

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới