Trong những ngày tháng 12 lịch sử, chúng tôi có dịp thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo - nơi được xem là “địa ngục trần gian” in đậm tội ác chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nơi đây có đến gần 20.000 chiến sỹ cách mạng bị giam cầm, tra tấn và hi sinh.
Nơi khắc nghiệt nhất của chế độ tù đày
Từ bến Trần Đề (Sóc Trăng), chúng tôi ngồi tàu cao tốc khoảng hơn 2 giờ đồng hồ tàu mới cập bến Đầm (Côn Đảo). Đường từ bến tàu vào trung tâm huyện đảo dài khoảng 13 km, chạy dọc bờ biển. Đến Côn Đảo, địa chỉ đầu tiên chúng tôi đến thăm là Bảo tàng Côn Đảo, Nhà tù, Trại giam và Nghĩa trang Hàng Dương.
Du khách tham quan bản đồ Côn Đảo.
Côn Đảo là quần đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích gần 74 km², địa hình chủ yếu là đồi núi. Năm 1861, thực dân Pháp chiếm Côn Đảo và lập ra hệ thống nhà tù vào năm 1862, kể từ đó, Côn Đảo trở thành “địa ngục trần gian” trong suốt 113 năm. Dưới con mắt của thực dân, Côn Đảo là một nơi lý tưởng, đáp ứng tốt những yêu cầu đối với một nhà tù bởi Côn Đảo bốn bề là biển, cách xa đất liền, không có phương tiện người tù khó bề trốn thoát, người ở bên ngoài cũng không có cách nào cứu thoát người tù. Ở nơi hải đảo này, những người cách mạng sẽ bị cắt đứt mọi quan hệ với gia đình, xã hội và quần chúng nhân dân, với đoàn thể, với các phong trào yêu nước.
Côn đảo được đặt dưới sự cai trị của các “chúa đảo”, dù là thời Pháp hay thời ngụy quyền thì các “chúa đảo” và các quan chức dưới quyền đều dùng các chế độ tù đày khắc nghiệt để hành hạ, giết dần người tù, đè bẹp ý chí phản kháng của họ.
Nhân viên Bảo tàng Côn Đảo giới thiệu cho khách tham quan một số hình thức tra tấn
thường thấy tại hệ thống nhà tù Côn Đảo
Hệ thống nhà tù ở Côn Đảo gồm: Trại Phú Hải, Trại Phú Sơn, Trại Phú Thọ, Trại Phú Tường, khu biệt lập Chuồng Cọp, khu Chuồng Bò, Trại Phú An, Trại Phú Phong và Trại Phú Hưng với 127 phòng giam, 44 xà lim và 504 phòng giam biệt lập.
Trại giam Phú Hải - trại giam lớn nhất và lâu đời nhất Côn Đảo được xây dựng từ năm 1862
Được xây dựng vào năm 1862, Trại giam Phú Hải là trại giam lớn nhất và lâu đời nhất tại hệ thống nhà tù Côn Đảo. Trại giam Phú Hải bao gồm 33 phòng giam chia thành 2 dãy nằm đối diện nhau, 5 phòng giam mỗi bên, nối qua hai dãy là 20 hầm đá hay còn được gọi là xà lim, 2 hầm xay lúa cho tù nhân lao động, 1 phòng tử hình và 1 khu đập đá.
Nhà thờ, bệnh xá là những công trình dùng để che mắt các đoàn giám sát quốc tế và dư luận trong nước.
Hầm xay lúa - nơi tù nhân lao động 18 tiếng một ngày
Nhắc đến nhà tù Côn Đảo không thể không nhắc đến “chuồng cọp”. Tại đây có “chuồng cọp” kiểu Pháp và “chuồng cọp” kiểu Mỹ. Được xây dựng năm 1940, “chuồng cọp” kiểu Pháp nằm bên trong trại giam Phú Tường có tổng diện tích gần 5.500 m² gồm 60 phòng tắm nắng không có mái che và 120 phòng giam biệt lập, nhờ cấu trúc “nhà tù trong nhà tù” mà “chuồng cọp” kiểu Pháp được giấu kín trong suốt 30 năm.
Chuồng cọp kiểu Pháp gồm 2 khu, mỗi khu 2 dãy
Mỗi buồng giam “chuồng cọp” có kích thước cỡ 1,5m x 2,7m, không có giường ngủ, giam từ 5 đến 12 người, chân bị còng vào một thanh sắt, việc ăn uống và vệ sinh cá nhân đều tại chỗ. Bên trên, cai ngục đi dọc hành lang để theo dõi, kiểm soát người tù, trên tay luôn cầm gậy sắt dài nhọn sẵn sàng chọc xuống tù nhân nào chống đối. Đồng thời, bên trên mỗi buồng giam đều có 1 thùng nước bẩn, 1 thùng vôi bột, khi tù nhân có dấu hiệu phản đối, cai ngục rắc vôi bột làm mù mắt tù nhân. Tù nhân bị giam trong chuồng cọp phải chịu tra tấn dã man, như đóng đinh vào tay, chân, đục răng, thiêu sống, chôn sống...
Du khách tham quan chuồng cọp kiểu Pháp.
Bên trên chuồng cọp cai ngục luôn cầm gậy dài, xung quanh luôn có thùng vôi và thùng nước bẩn
sẵn sàng đổ xuống đầu tù nhân.
Tù nhân nam và nữ bị tra tấn, bị bỏ đói trong chuồng cọp
Ngoài ra, cai ngục còn có những hình thức tra tấn mà không cần đánh đập nhưng vô cùng tàn độc, như tù nhân không được ăn muối khiến cho mắt của họ mờ dần, đến khi bị mù thì đem giết hay úp các thùng phuy lên đầu tù nhân, rồi gõ mạnh vào thùng khiến tù nhân đau đầu và bị điếc. Ở đây còn có 60 phòng giam không có mái che được gọi là phòng tắm nắng là nơi dùng để hành hạ bằng cách bắt người tù phơi nắng, phơi mưa hoặc là khu để đánh đập, tra tấn.
Phòng tắm nắng - nơi tù nhân bị phơi mưa, phơi nắng cả ngày đêm.
Khác với “chuồng cọp” kiểu Pháp, “chuồng cọp” kiểu Mỹ được xây dựng năm 1971 do các chuyên gia Mỹ thiết kế chủ yếu tra tấn tù nhân về tinh thần. Với diện tích 25.768 m² chia thành 4 khu, mỗi khu có 2 dãy, mỗi dãy là 48 phòng giam biệt lập. Bên trên có song sắt như “chuồng cọp” kiểu Pháp, nhưng không có hành lang mà thay bằng mái tôn thấp; trong phòng giam không có bệ, tù nhân phải nằm dưới nền nhà. Ban ngày, trời nắng hắt xuống như thiêu như đốt, ban đêm ẩm ướt, khí đất xông lên.
Trại giam Phú Bình hay còn được biết đến là chuồng cọp kiểu Mỹ.
Một hình thức tra tấn người tù tại trại giam Phú Bình
Tinh thần thép, ý chí sắt đá của người chiến sỹ cách mạng
Nhân viên Bảo tàng Côn Đảo giới thiệu một số hình thức đấu tranh của người tù cho du khách.
Vượt lên trên những nỗi đau về thể xác và tinh thần, các cuộc đấu tranh của các chiến sỹ cách mạng trong nhà tù diễn ra vô cùng quyết liệt, bằng nhiều hình thức, như tuyệt thực, viết kiến nghị... đòi giảm mức khổ sai, bãi bỏ đánh đập, đòi cải thiện đời sống, sinh hoạt, được nhận thư từ, sách báo... Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh của tù nhân đều bị đàn áp dã man, hàng chục người đã bị đánh chết, hàng trăm người khác bị thương nặng, bị nhốt hầm đá, chuồng cọp...
Bên cạnh đó, các phong trào đấu tranh chống ly khai Đảng Cộng sản, chống chào cờ ngụy... diễn ra liên tục với sự tham gia của hàng ngàn người, thực tiễn đấu tranh trong tù cho thấy đấu tranh không loại trừ hình thức, mức độ đấu tranh nào. Với chủ trương biến nhà tù thành trường học cách mạng, khi thoát cảnh ngục tù, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ cao cấp của Ðảng, của Nhà nước.
Các thế hệ tù nhân tại Côn Đảo trong đó nhiều đồng chí trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Tuy bị giam cầm trong ngục, nhưng các tù nhân vẫn nung nấu kế hoạch vượt ngục, đã có hàng trăm cuộc vượt ngục liên tục được tổ chức để đào thoát khỏi “địa ngục trần gian”. Để chuẩn bị vượt ngục, khó có thể kể hết những khó khăn, gian khổ mà người tù đã trải qua, trong đó, chuẩn bị phương tiện vượt biển là một công việc công phu, tỉ mỉ, kỹ lưỡng, lâu dài và vô cùng nguy hiểm. Người tù Côn Đảo vượt ngục bằng mọi phương tiện tự chế tạo, như tre, thùng phuy, thuyền khung mây bọc vải, thuyền ván... Khi vượt biển, những người tù đã phải đánh đổi bằng xương máu thậm chí bằng cả tính mạng. Điển hình như chuyến vượt ngục thành công của tù nhân ở Sở Đá Côn Đảo ngày 28/2/1952. Trong thời gian lao động khổ sai làm đá tại Núi Chúa Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Quốc Thể đã cùng 7 chiến sĩ thực hiện cuộc vượt ngục bằng thuyền vải tự tạo. Sườn thuyền làm bằng song mây buộc lại từ lạt mây; vỏ thuyền là tấm vải kết nối từ quần áo tù đã quét sơn để chống thấm. Để có xăng và sơn, họ phải lập mưu lấy trộm của bọn cai ngục, nên thời gian làm thuyền mất nửa năm. Đến ngày 28/2/1952, chiếc thuyền vải mong manh đã dong buồm theo hướng gió biển vào đất liền. Vượt qua nhiều đợt sóng lớn và mấy lần thoát hiểm vì suýt lọt vào tầm kiểm soát của tàu tuần tra và máy bay địch, rạng sáng ngày 2/3/1952, thuyền vải đã về đến Đầm Dơi (Cà Mau) thành công.
Mãi tự hào về Côn Đảo
Nghĩa trang Hàng Dương là địa điểm không thể không đến khi thăm Côn Đảo của người dân và du khách
Côn Đảo nằm đó đã 113 năm, là một minh chứng về tội ác của đế quốc, thực dân. Không chỉ có hệ thống nhà tù Côn Đảo, nhiều địa danh nơi này đã gắn liền với những mất mát, hy sinh của cha ông. Cách đó không xa là Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước qua nhiều thế hệ, đã đối mặt với kẻ thù giữa lao tù, xiềng xích trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Khi đến thăm nơi này, phần mộ của nhà chí sĩ Võ An Ninh, chị Võ Thị Sáu, nguyên Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Lê Hồng Phong luôn nghi ngút khói hương của những người ra thăm đảo, họ đã ra đi để Tổ quốc sống mãi muôn đời.
Mộ liệt sỹ Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương
Ngày nay, Côn Đảo đã trở thành một khu di tích lịch sử cách mạng lớn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Họ luôn tìm về đây để lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng của mảnh đất này. Về nơi đây chúng ta càng thấu hiểu hơn độc lập tự do của đất nước hôm nay được xây đắp bằng sự hy sinh cao cả của lớp lớp cha anh đi trước, những con người đã làm lên những huyền thoại bất tử trong kháng chiến.
Rời Côn Đảo, đọng lại trong chúng tôi là sự bình yên, đầm ấm của người dân nơi đây. Chiều đến, khi nắng nhạt dần, trên các tuyến đường ven biển, người thì đi bộ, tập thể dục, người ngồi hóng gió dưới tán cây bàng cổ thụ. Tất cả hòa mình vào tiếng gió, tiếng sóng biển rì rào. Vẻ đẹp cũng như sự thanh bình đó đang ngày ngày được sự vun đắp của những người dân Côn Đảo. Ai cũng tự hào được gắn bó với mảnh đất lịch sử này và càng tự hào hơn khi được góp phần tô điểm thêm sắc màu rực rỡ cho hòn ngọc của Tổ quốc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!