Năm 2022, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ tập trung cao độ cho việc xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương làm căn cứ sử dụng không gian biển, phân khu chức năng bảo vệ, phát triển kinh tế biển, bảo đảm khả năng phục hồi, chống chịu của các hệ sinh thái môi trường; bảo đảm sự gắn kết và bổ trợ lẫn nhau với các ngành, lĩnh vực trên đất liền tạo thành một chỉnh thể thống nhất trong phát triển quốc gia; bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển có trọng tâm, dựa trên những lợi thế so sánh, cạnh tranh của từng ngành, lĩnh vực biển.
Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ TN&MT |
Hiện Tổng cục cũng đang xem xét ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý các nhiệm vụ lập quy hoạch do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm Chủ đầu tư. Phối hợp Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an về việc hướng dẫn giải mật đối với tài liệu thuộc nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi công văn tới các Bộ, ngành có liên quan xin ý kiến các hợp phần quy hoạch tích hợp vào Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Ngoài ra, Tổng cục tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Triển khai thẩm định các hồ sơ đề nghị cấp phép nhận chìm, hồ sơ đề nghị giao khu vực biển và hồ sơ liên thông cấp phép nhận chìm, giao khu vực biển đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình.
Củng cố và mở rộng quan hệ với các đối tác đa phương, song phương, đặc biệt chú ý phát triển hợp tác với các đối tác đa phương; chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn, sử dụng bền vững biển và đại dương; giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; tranh thủ tối đa các nguồn lực, sự hỗ trợ quốc tế để nâng cao năng lực quản lý và khai thác biển, trong đó chú trọng các lĩnh vực khoa học, công nghệ, tri thức và đào tạo nguồn nhân lực; triển khai xây dựng các đề án, dự án hợp tác quốc tế.
Năm 2021, lần đầu tiên Tổng cục đã đề xuất và cùng xây dựng Nghị định quản lý hoạt động lấn biển, tạo cơ sở pháp lý quản lý vấn đề “nóng” đang diễn ra ở hầu hết các địa phương có biển.
Bên cạnh đó, Tổng cục đang dự thảo văn bản trình Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển của tổ chức, cá nhân được giao để nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ, bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi khu vực biển vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng.
Đây là Nghị định mang ý nghĩa kinh tế, chính trị quan trọng khi phát triển kinh tế biển, là cơ sở pháp lý công nhận khu vực biển được giao như một tài sản có giá trị thật sự, được góp vốn, thế chấp…
Ngoài việc trình ban hành và xây dựng các văn bản pháp luật tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế biển và đưa hoạt động phát triển kinh tế tự phát vào khuôn khổ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam còn xây dựng và trình ban hành nhiều Thông tư, Quy định nhằm quản lý, giám sát môi trường biển như: Tổng cục đã ban hành Quyết định số 314/QĐ-TCBHĐVN ngày 16/11/2021 về Quy trình kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm ở biển; Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thẩm định hồ sơ đề nghị giao, công nhận, gia hạn thời hạn giao khu vực biển, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển, trả lại khu vực biển, thu hồi khu vực biển thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thông tư Quy định kỹ thuật điều tra, khảo sát và đánh giá rác thải nhựa đại dương…
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!