Ảnh minh họa: UN Women/Ryan Brown |
Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người mà còn là nền tảng cần thiết cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững. Đã có những tiến bộ trong những thập kỷ qua, nhưng thế giới vẫn chưa đi đúng hướng để đạt được bình đẳng giới vào năm 2030.
Những đổ vỡ kinh tế và xã hội từ đại dịch COVID-19 đã khiến tình hình trở nên ảm đạm hơn. Tiến bộ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả thời gian dành cho công việc chăm sóc và công việc gia đình không được trả lương, việc ra quyết định liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục, và ngân sách đáp ứng giới, đang bị tụt lại phía sau.
Những con số “biết nói”:
* Xét trên phạm vi toàn thế giới, có đến 26% phụ nữ từ 15 tuổi trở lên (tương đương 641 triệu người) từng bị chồng hoặc bạn tình bạo lực thể chất và/hoặc tình dục ít nhất một lần trong đời. * Trong một cuộc khảo sát năm 2021 tại 13 quốc gia, 45% phụ nữ cho biết họ hoặc một phụ nữ mà họ biết đã phải chịu một số hình thức bạo lực kể từ sau đại dịch COVID-19. * Vào năm 2021, gần 1% phụ nữ trẻ đã kết hôn trước 18 tuổi. * Tỷ lệ kết hôn trẻ em trên toàn cầu đã giảm khoảng 10% trong 5 năm qua. * Có thêm 10 triệu bé gái đứng trước nguy cơ trở thành cô dâu trẻ em vào năm 2030 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bên cạnh 100 triệu bé gái được dự báo có nguy cơ gặp rủi ro trước đại dịch. * Ít nhất 200 triệu trẻ em gái và phụ nữ ngày nay đã bị cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. Hiện tượng đau lòng này chủ yếu được ghi nhận ở 31 quốc gia trên thế giới. * Năm 2019, trước đại dịch, phụ nữ chiếm 39,4% tổng số việc làm. Vào năm 2020, phụ nữ chiếm gần 45% số người mất việc làm trên toàn cầu. |
Các dịch vụ y tế dành cho phụ nữ, vốn chỉ được đầu tư ở mức khiêm tốn, tiếp tục phải đối mặt với sự gián đoạn lớn. Bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn phổ biến. Bất chấp vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong việc ứng phó với COVID-19, họ vẫn theo sau nam giới trong việc đảm bảo các vị trí ra quyết định mà họ xứng đáng có được.
Một sự cải thiện "đáng thất vọng" theo thời gian
Báo cáo Chỉ số chuẩn mực xã hội về giới (GSNI) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 12/6 đã chỉ ra rằng, Có tới một nửa số người trên thế giới vẫn tin rằng nam giới có thể trở thành những nhà lãnh đạo chính trị tốt hơn phụ nữ, trong khi hơn 40% tin rằng nam giới có thể trở thành những nhà điều hành kinh doanh giỏi hơn phụ nữ.
Báo của UNDP trích dữ liệu mới nhất từ Dự án Khảo sát giá trị thế giới (WVS) cho biết, có tới 25% số người được hỏi cho rằng “việc đàn ông đánh vợ của mình là hợp lý”. Những thành kiến này đã tạo ra những rào cản mà phụ nữ phải đối mặt, thể hiện ở việc tước bỏ các quyền của phụ nữ ở nhiều nơi trên thế giới, với các phong trào chống lại bình đẳng giới ngày càng lan rộng và ở một số quốc gia đi cùng với đó là sự gia tăng của các hành vi vi phạm nhân quyền.
Không những thế, thành kiến còn được phản ánh qua sự thiếu vắng vai trò đại diện của phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo. Số liệu thống kê trung bình cho thấy, tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ vẫn ở mức khoảng 10% kể từ năm 1995, trong khi trên thị trường lao động thì phụ nữ chỉ chiếm chưa đến 1/3 các vị trí quản lý.
Kết quả khảo sát cho thấy gần 9/10 người, bao gồm cả nam giới và nữ giới, có thành kiến cơ bản đối với phụ nữ và tỷ lệ người có ít nhất 1 định kiến hầu như không thay đổi trong thập niên qua. Tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, tỷ lệ người có ít nhất 1 thành kiến với phụ nữ chỉ giảm từ 86,9% xuống 84,6%. Thực tế này được đồng tác giả báo cáo của UNDP Heriberto Tapia nhìn nhận là cho thấy một “mức độ cải thiện đáng thất vọng theo thời gian".
Những kết nối lỏng lẻo
Báo cáo của UNDP cũng làm sáng tỏ mối liên hệ bị phá vỡ giữa sự tiến bộ của phụ nữ trong giáo dục và trao quyền kinh tế. Phụ nữ có kỹ năng và trình độ học vấn cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ngay cả ở 59 quốc gia nơi phụ nữ hiện có trình độ học vấn cao hơn nam giới thì khoảng cách thu nhập bình quân giữa hai giới vẫn ở mức 39%, với ưu thế nghiêng về nam giới.
Theo lập luận của ông Pedro Conceição, người đứng đầu Văn phòng Báo cáo Phát triển Con người của UNDP thì sự thiếu tiến bộ về các chuẩn mực xã hội về giới đang dẫn đến một cuộc khủng hoảng phát triển con người. Đại diện UNDP cũng đồng thời lưu ý rằng Chỉ số phát triển con người (HDI) toàn cầu lần đầu tiên giảm kỷ lục vào năm 2020 và kịch bản này tiếp tục tái diễn vào năm 2021.
Ông Conceição cho rằng, việc đảm bảo quyền tự do và quyền tự quyết cho phụ nữ sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Các chính phủ đóng vai trò quan trọng trong thay đổi các chuẩn mực xã hội về giới
Báo cáo của UNDP nhấn mạnh rằng, các chính phủ có vai trò quan trọng trong việc thay đổi các chuẩn mực xã hội về giới, từ việc áp dụng các chính sách nghỉ phép giữa nam và nữ làm thay đổi nhận thức về trách nhiệm chăm sóc gia đình, cho tới cải cách thị trường lao động đã dẫn đến việc thay đổi cách nhìn nhận về phụ nữ trong lực lượng lao động.
Mặc dù giáo dục luôn được coi là chìa khóa để cải thiện thu nhập kinh tế của phụ nữ, nhưng kết quả khảo sát cho thấy mối liên kết giữa khoảng cách giáo dục và thu nhập bị phá vỡ, theo đó khoảng cách thu nhập trung bình ở mức 39% ngay cả ở 57 quốc gia và vùng lãnh thổ nơi phụ nữ trưởng thành có trình độ học vấn hơn nam giới.
Giám đốc nhóm giới của UNDP - ông Raquel Lagunas cho biết: “Sự khởi đầu quan trọng là chúng ta cần nhận ra giá trị kinh tế của công việc chăm sóc gia đình không được trả lương”. Ông Lagunas chỉ ra rằng, ở những quốc gia có mức độ định kiến giới đối với phụ nữ cao nhất, người ta ước tính rằng phụ nữ dành thời gian cho công việc chăm sóc không được trả lương nhiều gấp 6 lần so với nam giới.
Cần hành động để thay đổi
Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua trao quyền cho phụ nữ. (Ảnh: phhvpnvn.edu ) |
Báo cáo của UNDP nhấn mạnh rằng mặc dù vẫn còn những thành kiến đối với phụ nữ song chúng ta vẫn có thể thay đổi thực tế đó. Điều này được chứng minh qua sự gia tăng tỷ lệ số người không có định kiến đối với phụ nữ ở 27 trong tổng số 38 nước khảo sát.
Trong khi đó, các tác giả của báo cáo cho rằng để thúc đẩy thay đổi hướng tới bình đẳng giới nhiều hơn, chúng ta cần tập trung vào mở rộng phát triển con người thông qua đầu tư, bảo hiểm và đổi mới.
Điều này bao gồm đầu tư vào luật pháp và các chính sách nhằm thúc đẩy sự bình đẳng của phụ nữ trong việc tham gia chính trị, nhân rộng các cơ chế bảo hiểm, chẳng hạn như tăng cường các hệ thống chăm sóc và bảo trợ xã hội, đồng thời khuyến khích các biện pháp can thiệp nhằm thu hẹp chuẩn mực xã hội có hại như thái độ gia trưởng và khuôn mẫu giới tính.
Báo cáo chỉ ra rằng, những nỗ lực nhằm phản bác lại những phát ngôn trực tuyến gây thù hận cùng thông tin sai lệch về giới tính có thể giúp thay đổi các chuẩn mực giới tính phổ biến theo hướng dễ chấp nhận và bình đẳng hơn. Từ đó, báo của của UNDP khuyến nghị điều chỉnh trực tiếp các chuẩn mực xã hội thông qua giáo dục để thay đổi quan điểm của mọi người, cùng việc đưa ra các chính sách và những thay đổi pháp lý công nhận quyền của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và đại diện nhiều hơn trong quá trình ra quyết định và các hoạt động chính trị./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!