Từ lâu, khoai sọ Thuận Châu được biết đến bởi vị bùi, dẻo, ngọt, thơm, được mệnh danh là “đệ nhất khoai sọ”. Tuy nhiên, ít ai biết khoai sọ Thuận Châu có nguồn gốc từ đâu và trồng như thế nào?
Khoai sọ Thuận Châu.
Chúng tôi về thung lũng Cụ Cang, xã Chiềng Ly (Thuận Châu), nơi được cho là phát tích của giống khoai sọ đặc sản. Cụ Cang là nơi sinh sống của người dân 3 bản Cang, Hua Nà và bản Hán. Cây khoai sọ được trồng ở vùng đất này đã từ rất lâu, là loại cây trồng gắn bó với người dân từng là thứ lương thực cứu đói các hộ dân khi giáp hạt. Ông Lò Văn Khăng, bản Hua Nà, năm nay đã ngoài 80 tuổi, kể: Ngày trước, những năm mất mùa, giáp hạt, người dân các bản thường vào rừng để đào củ nâu và khoai ngứa về ăn. Có hai loại khoai ngứa được phân biệt là “má phứa bon” (khoai ăn vào ngứa), và “má phứa ta lanh” (khoai ăn vào ngứa đỏ mắt), nhưng đói quá, người dân vẫn phải đào về, ngâm nước cho đỡ ngứa để ăn. Có một gia đình vào thung lũng Cụ Cang, thấy có nương khoai, đào lên được nhiều củ to như cái ấm đun nước, mang về luộc ăn thấy thơm, ngon, không ngứa nên bảo cả bản lên đào; rồi người dân chọn củ ngon làm giống và gọi cây khoai này là “má phứa ai hom” (củ khoai thơm). Ngày trước, người dân trồng “má phứa ai hom” để ăn thay cơm trong những lúc mất mùa, giáp hạt. Nhưng nhiều năm trở lại đây, “má phứa ai hom” không còn là sản phẩm nông nghiệp bình thường mà đã trở thành một sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập cao cho người dân.
Cùng vợ chồng ông Lò Văn Hợp, ở bản Hua Nà, chúng tôi tham gia hành trình thu hoạch khoai sọ Cụ Cang. Theo ông Hợp, thung lũng Cụ Cang rộng vài chục ha cũng chỉ có 3 điểm trồng được khoai sọ thơm ngon, nằm dọc theo sườn núi Pa Sôn. Vùng đất này cũng là nơi củ khoai sọ được người dân trồng từ xa xưa cho đến nay. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất riêng, khoai sọ ở đây có hương vị khác biệt và được nhiều nơi mua về làm giống. Khoai sọ được trồng vào khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm; từ tháng 10 khoai bắt đầu cho thu hoạch. Trên nương khoai của nhà ông Hợp, những cây khoai sọ được trồng khá đơn giản, không cần đánh luống hay thành hàng, mỗi cây khoai được trồng cách nhau chừng 1 m. Chỉ vài nhát thuổng chọc xuống lớp đất tơi xốp, mỗi cây khoai nhổ lên cho cả chùm củ nặng vài kg. Khoai sọ Cụ Cang củ thường to bằng bát ăn cơm, nhiều cây cho củ to bằng cả cái ấm đun nước. Sau mỗi vụ thu hoạch, người dân cũng chọn những củ ngon, già để làm giống cho các vụ sau. Ông Hợp bảo trồng và chăm sóc khoai sọ dễ dàng lại giá trị kinh tế hơn trồng ngô rất nhiều. Nếu là ngô, một cân giống chỉ thu được 2 triệu đồng, trồng khoai sọ, một tạ giống sẽ thu về khoảng 2 tấn củ, bán đổ cũng được 25 nghìn đồng/kg, nên ở đây hộ trồng ít cũng thu được vài chục triệu đồng, hộ trồng nhiều thu lãi vài trăm triệu.
Có một điều khác biệt và khá thú vị là cây khoai sọ ở Thuận Châu không trồng ngoài vườn, quanh nhà như khoai sọ ở các vùng khác, mà trồng trên nương, lưng chừng núi. Đường lên các nương bãi trồng khoai vô cùng khó khăn với những con đường đất, đá lổn nhổn, uốn lượn quanh sườn núi. Đường đi khó khăn nên người dân thường phải làm các lán trên nương để chứa khoai sọ sau khi thu hoạch, sau đó dùng xe máy chở từng bao khoai sọ xuống bản. Đường khó đi nên mỗi chuyến chỉ chở được khoảng 40 kg mà thôi.
Theo Quyết định số 10/2002/QĐ-BNN ngày 17/01/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về trao đổi quốc tế tài nguyên di truyền thực vật, khoai sọ Thuận Châu đã được đưa vào danh sách nguồn gen quý của Việt Nam, cần phải được giữ gìn và phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!