Chiếc xe do Nguyễn Đức Thịnh điều khiển gây tại nạn bị móp méo tại hiện trường. (Ảnh: TTXVN)
Cơ quan chức năng xác định Thịnh có nồng độ cồn rất cao với 0,604 mg/l khí thở. Mới đây, vào tối 12/8, tài xế Ngô Công Hán sau khi uống rượu, bia đã điều khiển ô-tô rồi lao thẳng vào một cây xăng trên đường Láng (TP Hà Nội) với tốc độ cao làm 8 người bị thương nặng, nhiều phương tiện đang đổ xăng tại đây bị hư hỏng. Hán đã vi phạm nồng độ cồn tới mức 0,9mg/l khí thở, gấp 2,25 lần mức vi phạm tối đa được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP.
Trên đây chỉ là những thí dụ điển hình trong hàng triệu vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng có nguyên nhân do những "ma men". Tình trạng tài xế đã uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe đang làm dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng "nhờn" luật. Nghị định 100/NĐ-CP đã có hiệu lực từ gần 3 năm nay với mức xử phạt nghiêm khắc, vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông có thể bị phạt tù đến 15 năm hoặc phạt hành chính đến 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Thế nhưng, trước những cuộc vui, nhiều người vẫn uống rượu, bia rồi lái xe như không nhớ gì đến những chế tài nghiêm khắc này. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, nửa đầu năm 2022 toàn quốc xảy ra 5.703 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.314 người, trong đó khoảng 40% số vụ, 11% số người chết có liên quan rượu, bia với tỷ lệ hơn 90% tổng số nạn nhân là nam giới. Vậy nguyên nhân do đâu? Phải nghiêm túc nhìn nhận, chúng ta có đầy đủ hệ thống pháp luật để răn đe và xử phạt vi phạm, nhưng việc xử lý ở nhiều nơi, nhiều lúc chưa nghiêm, chưa thường xuyên.
Khi nào lực lượng cảnh sát giao thông rầm rộ ra quân thì tình trạng vi phạm có giảm, nhưng hết "chiến dịch" thì đâu lại vào đó. Vấn đề cốt lõi là người dân vẫn chưa hình thành được ý thức, thói quen tuân thủ quy định pháp luật "không uống rượu bia khi tham gia giao thông". Thậm chí một bộ phận không nhỏ coi việc uống rượu bia rồi lái xe là bình thường, không coi đó là hành vi vi phạm, gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội.
Để xử lý triệt để những "ma men" trên đường, cần nâng cao hơn nữa công tác tuần tra kiểm soát về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt phải xem việc kiểm tra nồng độ cồn là kế hoạch thường xuyên, liên tục, nhất là vào tối muộn, đêm khuya. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về văn hóa giao thông, tác hại của rượu, bia, hệ lụy của việc "cầm lái" sau khi đã "ngà ngà" không kiểm soát được hành vi...
Dù không phủ nhận rượu, bia đã đóng góp một phần cho ngân sách đất nước, giúp thúc đẩy một số ngành dịch vụ phát triển, song cũng đã đến lúc Việt Nam cần có thêm nhiều biện pháp hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống có cồn vì sự an toàn, sức khỏe, tinh thần của người dân và vì một xã hội bình yên, văn minh, không còn những ma men hiện hữu sau tay lái.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!