Thực hiện kế hoạch về kiểm tra nồng độ cồn, ma túy đối với tài xế điều khiển phương tiện lưu thông trên địa bàn, tính đến ngày 19/3, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 14 trường hợp lái xe dương tính với ma túy khi đang điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, lực lượng thi hành nhiệm vụ gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc các lái xe đã chống đối không xuất trình giấy phép lái xe và những bất cập trong các quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn, ma túy trên tuyến quốc lộ 6 qua địa phận huyện Vân Hồ.
Hiện, toàn tỉnh có 165 doanh nghiệp vận tải, 614 hộ kinh doanh vận tải cá thể, với 1.082 xe tải, 393 xe đầu kéo. Từ đầu năm đến nay, Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng, chính quyền địa phương các cấp, công an các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn tổ chức 8 buổi tuyên truyền, với 2.712 lượt người tham gia; phối hợp xây dựng 4 phóng sự, tin bài tuyên truyền về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó có nội dung liên quan về lái xe sử dụng các chất ma túy và chất kích thích. Trong đợt ra quân cao điểm kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy (do Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an phát động từ 15/1-25/2), các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 10 trường hợp dương tính với ma túy. Trong 10 trường hợp này, có 6 xe ô tô mang biển kiểm soát ở Sơn La, 4 xe mang biển kiểm soát ở tỉnh khác. Đối với các phương tiện mang biển kiểm soát của tỉnh khác, ngành giao thông vận tải tỉnh đã thông tin cho các tỉnh liên quan để xử lý. Trong 10 trường hợp trên có 7 người không có GPLX, 3 người có GPLX đã xử lý theo quy định (giữ GPLX 2 năm, giữ xe 30 ngày).
Theo ông Trịnh Xuân Hùng, Giám đốc Sở GTVT, Phó Ban an toàn giao thông tỉnh, có thể các đối tượng lợi dụng kẽ hở của các quy định, việc nhận không có GPLX để nhận mức xử phạt theo hướng không có GPLX là sẽ nhẹ hơn (phạt 17 triệu đồng/trường hợp, tạm giữ phương tiện 7 ngày). Còn về thông tin GPLX trên hệ thống quản lý thì trong 7 trường hợp không có GPLX nói trên, có 5 trường hợp có thông tin tra cứu, 2 trường hợp không có thông tin. Đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện, quản lý người lái có liên quan, ngành Giao thông vận tải đã xử lý theo quy định, mời những doanh nghiệp có lái xe qua kiểm tra dương tính với ma túy đến làm việc, phần lớn họ đều ủng hộ, sẵn sàng sa thải những lái xe dương tính với ma túy. Vấn đề đặt ra, nếu xử lý không chặt chẽ, sau khi bị sa thải, những lái xe này vẫn có thể tiếp tục sử dụng GPLX mà chưa bị thu giữ để làm việc cho doanh nghiệp khác. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an và ngành Giao thông để xử lý triệt để tình trạng lái xe gian dối cơ quan chức năng về GPLX. Việc xử lý triệt để tình trạng lái xe không xuất trình giấy phép lái xe (GPLX), căn cứ quy chế phối hợp, ngành Giao thông vận tải sẽ có văn bản hướng dẫn ngành Công an tra cứu thông tin về giấy phép lái xe trên hệ thống quản lý của ngành, kể cả sử dụng điện thoại thông minh cũng có thể tra cứu được, do đó sẽ hạn chế được việc giấu diếm thông tin về GPLX của các tài xế.
Trung tá Nguyễn Đức Hiếu, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh, cho biết: Sau đợt cao điểm, đến ngày 19/3, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý thêm 4 trường hợp dương tính với ma túy, 3 trường hợp có GPLX, 1 trường hợp không có GPLX (3 trường hợp có biển kiểm soát ở Sơn La, 1 trường hợp ở ngoài tỉnh). Như vậy, tính đến thời điểm này, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý 14 lái xe dương tính với ma túy (3 xe con, 5 đầu kéo, 6 xe tải). Khó khăn lớn nhất là các lái xe không hợp tác, phần lớn khi tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn hoặc ma túy, các lái xe đều không xuất trình GPLX, hoặc báo mất GPLX. Căn cứ khoản 11, điều 5 Nghị định số 46 thì người điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng (trong trường hợp có giấy phép lái xe), hoặc phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng (trong trường hợp không có giấy phép lái xe, hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe). Nghị định số 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng chưa có chế tài cụ thể cho việc xử lý lái xe đã được sát hạch, cấp giấy phép lái xe mà cố tình không xuất trình giấy phép lái xe tại thời điểm kiểm tra. Vì vậy, tổ công tác không thể xử lý, cưỡng chế họ xuất trình GPLX, mà chỉ xử phạt hành chính với lỗi không có giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện trong vòng 7 ngày.
Việc các lái xe vi phạm cố tình lách luật để chịu mức phạt theo hướng có lợi đã và đang gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Trên thực tế, ở một số địa phương đã xuất hiện nhiều lái xe dương tính với ma túy gây tai nạn giao thông, hậu quả nghiêm trọng. Do đó, bên cạnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi mua bán các chất ma túy, cần có chế tài xử phạt nghiêm các lái xe sử dụng các chất ma túy và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lái xe vi phạm về ma túy, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!