Kể từ ngày Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện Luật và Nghị định, nhằm thay đổi ý thức, hành vi nhận thức và thói quen sử dụng bia, rượu của người dân trên địa bàn tỉnh khi tham gia giao thông, ngăn chặn tình trạng người đã sử dụng rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng bia, rượu...
Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Để đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào cuộc sống, ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” với nhiều điểm mới thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016; trong đó, tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn, tăng mức phạt tối đa với người đi ô-tô có nồng độ cồn lên đến 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Cùng với đó, Nghị định đề ra quy định mới về xử phạt đối với người điều khiển xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/lít khí thở bị tước GPLX từ 10 - 12 tháng và phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Đáng chú ý, người đi xe đạp, xe đạp điện mà sử dụng rượu, bia cũng bị phạt ở mức từ 400.000 - 600.000 đồng.
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) lập biên bản xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.
Đại tá Đỗ Xuân Cảnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh trao đổi: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông về thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) chủ động tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh ban hành các văn bản liên quan; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh phổ biến, quán triệt Luật và Nghị định đến lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP đến cán bộ, đảng viên, công nhân viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân, học sinh, sinh viên và mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai lực lượng, phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật... kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Kể từ ngày 1/1/2020 đến ngày 14/2/2020, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tổ chức 17 buổi tuyên truyền phổ biến, giáo dục về TTATGT, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, thu hút trên 7.000 lượt người tham gia; phối hợp với cơ quan truyền thông xây dựng 20 tin, bài tuyên truyền pháp luật về Luật và Nghị định; kiểm tra, phát hiện, xử lý 269 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền nộp ngân sách Nhà nước hơn 983 triệu đồng.
Thay đổi ý thức của người dân khi tham gia giao thông
Với việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, hướng dẫn, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, cho thấy ý thức, nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân được nâng lên rõ rệt. Theo ghi nhận, hiện nay, khi đi ăn uống, nhiều người dân không tự điều khiển xe máy, ô-tô, mà nhờ người nhà hoặc đi xe ôm, xe taxi... Không chỉ trong dịp Tết Nguyên đán mà những ngày thường, nhiều người đã từ chối, dứt khoát không uống rượu, bia khi phải điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Anh Nguyễn Việt Dũng, nhân viên lái xe taxi Hương Sen cho biết: Làm nghề lái xe, là nguồn thu nhập chính của gia đình, nên tôi không thể vi phạm nồng độ cồn dù chỉ một lần, bởi sẽ bị phạt tiền, treo bằng lái xe thời gian dài. Tôi luôn ý thức chấp hành nghiêm quy định đã uống rượu bia thì không lái xe; rất vui là tất cả anh chị em lái xe trong Công ty cũng chấp hành nghiêm túc Luật và Nghị định; nếu vì lý do nào đó phải uống rượu, bia thì chúng tôi nghỉ làm, không lái xe để đảm bảo an toàn cho bản thân, hành khách và những người khác. Còn chị Tòng Thị Hinh (tổ 14, phường Quyết Thắng) vui mừng bày tỏ: Trước đây, có thời gian, chồng tôi đi nhậu triền miên, thường về nhà trong trạng thái say xỉn. Từ ngày có Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chồng tôi không còn tụ tập uống rượu, bia với bạn bè nữa mà tự giác về nhà đúng giờ, chăm lo cho gia đình, tôi không còn phải lo lắng chuyện chồng say xỉn vẫn điều khiển phương tiện giao thông, sẽ gây tai nạn bất cứ lúc nào nữa.
Việc ra quân quyết liệt xử lý các vi phạm về nồng độ cồn của lực lượng chức năng và đa số người dân ý thức “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” thực sự mang lại hiệu quả tích cực, thể hiện rõ qua số liệu tai nạn giao thông giảm hẳn sau hơn 1 tháng thực hiện Luật và Nghị định, cụ thể: Từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 14/2/2020, toàn tỉnh chỉ xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người, bị thương 14 người (giảm 10 vụ so với cùng kỳ năm 2019). Đặc biệt, không có vụ tai nạn giao thông nào xảy ra do sử dụng rượu, bia... góp phần bảo đảm TTATGT trên địa bàn. Phát huy kết quả, lực lượng CSGT toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm, thực hiện nghiêm túc. Trước mắt, tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế trước dịch bệnh COVID-19; đối với việc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông chỉ sử dụng ống thổi một lần (mỗi ống dùng riêng cho từng người), thiết bị đo luôn được tiệt trùng theo quy định. Đồng thời, tăng cường lực lượng, phương tiện đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; phối hợp với các đơn vị chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những đối tượng quá khích, chống người thi hành công vụ...
Bằng việc triển khai thực hiện tốt Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trên địa bàn tỉnh của lực lượng CSGT, đã dần hình thành nếp sống văn hoá trong cộng đồng, đã uống rượu, bia thì không lái xe, góp phần giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!