Sông Đà và sông Mã là 2 sông chính chảy qua địa bàn tỉnh ta, có tổng chiều dài đường thủy 360km, với 3 bến cảng, 15 bến chợ và 69 bến đò ngang sông trải dài 8 huyện dọc sông đang hoạt động.
Hoạt động dịch vụ vận tải hành khách đường sông trên sông Đà thuộc địa bàn xã Tạ Khoa (Bắc Yên).
Để hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông đường thủy, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của bà con vùng dọc sông, Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thành phố đã tăng cường thực hiện công tác quản lý đối với các phương tiện giao thông đường thủy nội địa. Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu trình UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh hỗ trợ kinh phí đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường thủy nội địa; đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn người lái cho bà con 46 xã thuộc 8 huyện vùng lòng hồ; đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt thiết kế mẫu định hình để làm căn cứ kiểm định và cho phép đóng mới phương tiện đường thủy; hướng dẫn UBND các huyện, xã thực hiện Thông tư 75 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa theo phân cấp quản lý. Đồng thời, phối hợp với Ban ATGT tỉnh, UBND các huyện, các đơn vị đào tạo, đăng ký đăng kiểm phương tiện đường thủy; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy trong các đợt công vụ trực tiếp xuống địa bàn; in ấn, phát hành các tờ rơi về lĩnh vực an toàn giao thông đường thủy, nâng cao nhận thức của nhân dân, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông đường thủy trên địa bàn. Cùng với đó, ngành giao thông vận tải đã phối hợp với các địa phương tổ chức ký cam kết đối với các chủ phương tiện tại các bến đò ngang đảm bảo an toàn giao thông. 9 tháng qua, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với Thanh tra Sở, phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy nội địa tại huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Mường La và tiến hành kiểm tra tại một số cơ sở đóng tàu thuyền tự phát nhằm nâng cao ý thức của nhân dân trong đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa và hướng dẫn công tác quản lý đối với UBND các xã, thị trấn. Ngoài ra, thực hiện đăng ký hành chính cho 2 chủ phương tiện; 14 phương tiện kiểm định theo định kỳ. Ông Lù Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết: Do hệ thống bến thủy nội địa trên lòng hồ thủy điện chưa được quan tâm đầu tư theo quy hoạch; công tác quản lý, bảo trì bến thủy nội địa còn nhiều hạn chế; đa số bến khách ngang sông chưa được cấp phép hoạt động theo quy định, chủ yếu tự phát theo nhu cầu thực tế ở địa phương. Do vậy, việc đóng mới phương tiện đường thủy của nhân dân đa số theo kinh nghiệm, chưa theo mẫu định hình của cơ quan có thẩm quyền thiết kế giám sát đóng tàu. Số lượng các phương tiện đường thủy qua đăng ký, đăng kiểm mới đạt gần 50%, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Quá trình triển khai ngành đã chỉ đạo lực lượng cùng với Ban An toàn giao thông các huyện, UBND các xã dọc sông tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Luật giao thông đường thủy, góp phần nâng cao ý thức và nhận thức của nhân dân vùng lòng hồ, dần tạo ra những chuyển biến tích cực.
Thời gian tới, cùng với việc tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát vi phạm an toàn giao thông đường thủy nội địa, Sở giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, xã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tổ chức đăng ký, đăng kiểm, đào tạo tại cơ sở. Đồng thời, giao chính quyền cấp cơ sở tổ chức kiểm tra các cơ sở đóng mới phương tiện thủy, cấp phép cho các cơ sở đảm bảo đủ năng lực. Công bố rộng rãi, cấp miễn phí mẫu định hình đã được Cục đăng kiểm Việt Nam phê duyệt, tạo điều kiện cho nhân dân lựa chọn để đóng mới tàu, thuyền phù hợp; hoàn thành dự thảo phân cấp quản lý giao thông đường thủy nội địa trình UBND tỉnh làm cơ sở pháp lý, nâng cao công tác quản lý.
Phan Trang
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!