Tăng cường bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông vận tải đường thủy

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác vận tải đường thủy nội địa, các ngành chức năng, các huyện có hệ thống giao thông đường thủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện khi tham gia giao thông vận tải đường thủy.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tuần tra, kiểm soát trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Mạng lưới giao thông đường thủy trên địa bàn hiện có 486 km, trên hai tuyến sông Đà và sông Mã. Những năm qua, cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư xây dựng, phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa, đi lại của nhân dân. Trong đó, khai thác giao thông thủy nội địa trên tuyến sông Đà (lòng hồ thủy điện Hòa Bình dài 230 km; lòng hồ thủy điện Sơn La dài 186 km), do Đoạn Quản lý đường sông số 9, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý. Trên tuyến này có 3 cảng lớn: Tà Hộc, Vạn Yên và Mường La; 2 bến phà Vạn Yên và Nặm Ét; 15 bến chợ, 18 điểm đón trả khách... Hàng năm, Ban An toàn giao thông tỉnh đã ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, hạn chế thấp nhất xảy ra tai nạn giao thông đường thủy; phát động phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” trong mọi tầng lớp nhân dân; yêu cầu các phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải trang bị đủ áo phao, dụng cụ nổi cá nhân cho tất cả mọi người được chở trên phương tiện; chỉ cho phép phương tiện hoạt động khi thực hiện đầy đủ những quy định về bảo đảm ATGT; tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện, hành khách khi tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hành khách ngang sông thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, UBND các huyện có đường sông đi qua và đơn vị Quản lý đường sông thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động vận tải hành khách tại các bến khách ngang sông; đình chỉ hoạt động đối với trường hợp phương tiện không trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi cá nhân; tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho người tham gia giao thông đường thủy; xử lý nghiêm các vi phạm (5 tháng đầu năm 2019, đã xử lý 37 trường hợp cố tình vi phạm, xử phạt hành chính trên 16.750.000 đồng).

Đồng chí Đào Văn Chương, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh khẳng định: Các huyện có đường sông đã thực hiện khá tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy; tuyên truyền các chủ phương tiện làm tốt công tác phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông đường thủy gây ra; nâng cao nhận thức của mọi người dân về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường thủy. Tuy nhiên, do kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh còn thiếu; lực lượng kiểm tra, xử lý còn mỏng, phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ chưa đầy đủ; phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm còn nhiều; người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn; các bến dân sinh đa số là bến tạm, quy mô nhỏ, chủ yếu dựa vào địa hình tự nhiên... gây khó khăn trong công tác quản lý và xử lý vi phạm. Ban An toàn giao thông tỉnh đang đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí đăng ký, đăng kiểm lần đầu cho các phương tiện thủy; kêu gọi nhà tài trợ cấp áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh phân phát cho các chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường thủy, nhất là các thầy giáo, cô giáo, học sinh sống ven vùng lòng hồ sông Đà...

Để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường thủy xảy ra trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tiếp tục phát huy vai trò công tác phối hợp của các lực lượng chức năng và toàn dân trong công tác đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của lực lượng chức năng và thực hiện công tác quản lý Nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hành khách tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của thuyền viên, người điều khiển phương tiện mặc áo phao hoặc đeo dụng cụ nổi cá nhân đúng quy cách trong suốt hành trình... góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” trong cộng đồng.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới