Thời gian qua, công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, duy tu bảo dưỡng, đặc biệt là việc đầu tư các hệ thống đèn tín hiệu, các thiết bị tín hiệu, điều chỉnh hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đường thủy, xử lý điểm đen... góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông và tạo sự an toàn, thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông.
Hệ thống đèn tín hiệu cảnh báo tại một tuyến đường của Thành phố.
Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh hiện đang phát triển nhanh, với 9.249 km đường bộ, gồm: Quốc lộ 887 km, đường tỉnh 953 km, đường huyện 2.057 km; đường xã 5.043 km và đường chuyên dùng 309 km. Trong đó Sở Giao thông Vận tải quản lý 9 tuyến quốc lộ dài 675 km và 17 tuyến đường tỉnh dài 953 km. Về đường thủy nội địa: Mạng lưới sông trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 304 km, gồm hai tuyến sông chính là sông Đà và sông Mã; trong đó tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên sông Đà do Cục Đường thuỷ nội địa quản lý (sông Mã chưa hình thành tuyến đường thuỷ).
Hiện nay, hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn tỉnh gồm 14 vị trí, lắp đặt chủ yếu trên các tuyến quốc lộ qua đô thị (Thành phố, thị trấn Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Quỳnh Nhai, Phù Yên) tại các nút giao ngã ba, ngã tư, nơi có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao. Hệ thống đèn tín hiệu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia sông Đà do Cục Đường thuỷ nội địa quản lý. Nhờ vậy, đã góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường, giảm thiểu tai nạn giao thông. Qua kiểm tra, hầu hết các hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn tỉnh đều được bảo đảm và đã bàn giao lại cho các địa phương quản lý. Bên cạnh đó, công tác tổ chức rà soát, bổ sung tín hiệu đường bộ, đường thủy tại các “điểm đen”, điểm mất ATGT trên các tuyến đường bộ và đường sông thuộc địa bàn tỉnh quản lý được bảo đảm.
Tuy nhiên, công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông còn một số khó khăn như: Một số hệ thống đèn tín hiệu giao thông đầu tư từ năm 2004, quá trình khai thác, sử dụng đã bị hư hỏng, xuống cấp trong khi nguồn kinh phí công tác bảo trì cho hệ thống đèn tín hiệu hạn chế; một số vị trí nút giao chưa có nguồn kinh phí để đầu tư (nút giao ngã tư quốc lộ 4G với quốc lộ 6 cũ)... Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương, nhất là giữa cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành với chính quyền địa phương các cấp trong việc tổ chức thực hiện bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, chống lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng và bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa chưa thường xuyên; tình trạng lấy cắp báo hiệu, phá hoại báo hiệu, kết cấu hạ tầng gần đây đang có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy nội địa...
Để nâng cao hiệu quả sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, các huyện, thành phố, cấp có thẩm quyền cần quan tâm xem xét bố trí nguồn vốn để đầu tư sửa chữa, xây dựng mới các hệ thống biển báo, đèn tín hiệu. Các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công công trình giao thông trên địa bàn, tuyến đường quản lý thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm ATGT; kịp thời sửa chữa, khắc phục các đoạn đường hư hỏng; phát quang cỏ, cây xanh ở những đoạn đường bị che chắn tầm nhìn; bổ sung, lắp đặt các biển báo về giao thông đường bộ ở những đoạn đường thường xảy ra TNGT; tăng cường quản lý vận hành hệ thống điện chiếu sáng; duy trì kiểm tra, nạo vét hệ thống cống rãnh, hệ thống thoát nước... góp phần đảm bảo an toàn giao thông, văn minh đô thị trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!