Áp lực giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Bất cập về hạ tầng, tỷ lệ gia tăng dân số, số lượng phương tiện phát sinh hàng năm… và một nguyên nhân quan trọng nữa chính là ý thức giao thông kém của người tham gia giao thông.
Cảnh xe máy tràn lên vỉa hè của người đi bộ là cảnh thường thấy
vào giờ cao điểm hàng ngày trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội).
Sự gia tăng chóng mặt của các loại phương tiện giao thông cá nhân hàng năm cùng những hạn chế, bất cập của hạ tầng đô thị hiện nay đang tạo ra những áp lực nặng nề cho các cơ quan chức năng trong việc tìm ra lời giải cho bài toán áp lực giao thông, đặc biệt là đối với các đô thị, thành phố lớn.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, cả nước đã có gần 200.000 xe ô tô và 1,5 triệu xe máy đăng ký mới. Tổng số phương tiện đang quản lý trong toàn quốc có gần 46 triệu xe máy, gần 2,9 triệu xe ô tô.
Không phải bây giờ, mà nhiều năm qua, câu chuyện về ách tắc giao thông đã rất nhiều lần được đưa lên bàn thảo trong các cuộc họp. Các nhà quản lý luôn phải đau đầu tìm giải pháp cho vấn đề giảm ùn tắc giao thông, như: Tăng cường hoạt động của các phương tiện vận tải công cộng; các phương án hạn chế phương tiện cá nhân nhiều lần được đề xuất. Tuy nhiên cho đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện là bao, đặc biệt là với các đô thị lớn.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2016, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng cao nhưng thành phố chưa có giải pháp hạn chế. Hiện mỗi ngày trên địa bàn thành phố có khoảng 1.000 xe mô tô, 180 xe ô tô đăng ký mới.
Còn đối với TP. Hà Nội, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng , phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn thời gian qua vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Một trong những dấu hiệu của áp lực giao thông được nhận biết rõ nhất là tình trạng tắc đường. Cụm từ "tắc đường" đã trở nên quá quen thuộc ở các đô thị, đến nỗi có người còn ví von nó là “đặc sản”(?!). Theo phân tích của các nhà quản lý, một trong các nguyên nhân chính gây ra tắc đường là hạ tầng giao thông, số lượng phương tiện tăng song hành do tỷ lệ gia tăng dân số,…và hẳn có một nguyên nhân nữa cũng không kém phần thiết yếu, đó chính là ý thức tham gia giao thông của mỗi người - yếu tố chi phối trực tiếp làm cho áp lực giao thông liên tục bị "nóng" lên...
Đơn cử tại Hà Nội, chúng ta hãy quan sát các giờ cao điểm một ngày bình thường, cảnh tắc đường diễn ra “như cơm bữa”, và như chưa thể có hồi kết.
Cứ vào khoảng đầu giờ sáng, gần trưa hoặc cuối giờ chiều, nếu lưu thông trên một số tuyến đường như: Nguyễn Chí Thanh, Đê La Thành, Nguyễn Trãi, Xuân Thủy…, chúng ta sẽ khó mà thoát cảnh tắc đường. Cứ như một điệp khúc mỗi ngày, xe nối xe, người tiếp người dịch chuyển từng chút một, những con đường dường như muốn dài…vô tận. Giữa biển người và phương tiện, không hiếm cảnh đi ngược chiều, chen lấn, luồn lách. Xe ô tô thì lấn vào làn xe máy, xe máy thì trèo lên lấn vỉa hè người đi bộ. Phương tiện vượt đèn đỏ tùy tiện, theo kiểu mạnh ai người ấy “phi”... Chung quy lại, đã đông phương tiện tham gia giao thông, hạ tầng chật chội, cùng với ý thức chấp hành pháp luật về giao thông kém của người tham gia giao thông đã khiến cho đường tắc càng thêm... tắc.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức, lãnh đạo TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều khẳng định, phương tiện giao thông cá nhân đang tiếp tục tăng, gây áp lực đến giao thông đô thị và làm tăng tai nạn giao thông.
Từ những vấn đề đã nêu, thiết nghĩ thời gian tới, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng đi đôi với việc hạn chế các phương tiện cá nhân. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các biện pháp giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người tham giao giao thông; tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông. Đây sẽ là chìa khóa để giải quyết bài toán giao thông ở các thành phố lớn nói riêng và các đô thị hiện nay tại Việt Nam./.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, 8 tháng năm 2016 (tính từ ngày 16/12/2015 đến 15/8/2016), toàn quốc xảy ra 13.612 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.728 người, làm bị thương 11.781 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.010 vụ (-6,91%), giảm 93 người chết (-1,6%), giảm 1.456 người bị thương (-11%). Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản 2.617.339 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ; phạt tiền 1.686,06 tỷ đồng; tạm giữ 20.766 xe ô tô và 365.147 mô tô; tước 250.341 giấy phép lái xe. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2016, toàn quốc xảy ra 1.760 vụ tai nạn giao thông, làm chết 705 người, làm bị thương 1.495 người. So với cùng kỳ năm 2015 tăng 48 vụ (2,8%), tăng 51 người chết (7,8%), giảm 96 người bị thương (-6,03%). Trong tháng 8/2016, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ công an các địa phương đăng ký mới 28.528 xe ôtô, 236.668 xe môtô và 36.820 xe máy điện. Cục đăng ký mới 66 xe ô tô; đăng ký sang tên, di chuyển 8 xe ô tô. Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 372.626 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, Kho bạc Nhà nước thu hơn 211,84 tỷ đồng; tạm giữ 3.704 xe ô tô, 47.790 xe mô tô và 938 phương tiện khác; tước giấy phép lái xe (GPLX) 37.668 trường hợp. |
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!